leftcenterrightdel
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Quốc vụ khanh Thani bin Ahmed Al Zeyoudi ký kết tuyên bố chung, khởi động tiến trình đàm phán hiệp định CEPA giữa hai nước. Ảnh minh hoạ: Bộ Công thương/TTXVN/Vietnam+ 

Tuyên bố được ký kết bởi Tiến sĩ Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế, Bộ Ngoại thương UAE và Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên trong chuyến thăm của đoàn đại biểu Việt Nam tại UAE.

Trong khuôn khổ cuộc gặp với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Quốc vụ khanh Thani bin Ahmed Al Zeyoudi đã nhấn mạnh mối quan hệ song phương mạnh mẽ và bền chặt giữa UAE và Việt Nam, một mối quan hệ đang tiếp tục lớn mạnh trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thương mại và nền kinh tế.

Việc khởi động tiến trình đàm phán thành lập hiệp định CEPA là kết quả tất yếu của nguyện vọng chung của cả hai chính phủ nhằm nâng quan hệ thương mại và kinh tế hiện có lên một tầm cao mới.

Quốc vụ khanh Thani bin Ahmed Al Zeyoudi thông tin: “UAE là đối tác thương mại Ả Rập số một của Việt Nam, chiếm 39% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam có được với các nước Ả Rập. Trong đó, kim ngạch thương mại phi dầu mỏ giữa hai bên đạt 29,4 tỷ AED (khoảng 8 tỷ USD) vào năm 2022”.

Hoạt động buôn bán hàng hoá khác ngoài điện thoại di động và phụ kiện của điện thoại tăng từ mức dưới 36% trong năm 2019 lên 46% vào năm 2022, đạt tổng trị giá 13,5 tỷ AED (hơn 3,5 tỷ USD), tức tăng 9% so với mức của năm 2019.

Cũng theo lãnh đạo UAE, nước này mong muốn tăng cường quan hệ đối tác kinh tế và thương mại thông qua chương trình đối tác kinh tế toàn cầu của UAE, đặc biệt là kể từ khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của UAE trong khối ASEAN kể từ năm 2022.

UAE vui mừng bắt đầu quá trình đàm phán ký kết hiệp định CEPA.

Trong khuôn khổ hội đàm giữa hai vị lãnh đạo, đôi bên đề cập đến việc thúc đẩy hợp tác chung trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, kinh tế, công nghiệp, năng lượng, hậu cần, công nghiệp và cơ sở hạ tầng khi tiến trình đàm phán CEPA mở ra. Tại đây, Quốc vụ khanh Thani bin Almed Al Zeyoudi đã nêu bật thành công của UAE trong nỗ lực tạo ra một môi trường phong phú với các cơ hội đầu tư đầy hứa hẹn trong đa dạng các lĩnh vực. Ông lưu ý rằng, sự phát triển toàn diện của luật kinh tế của UAE cho phép nước ngoài sở hữu hoàn toàn các công ty và tăng cường đáng kể mức độ dễ dàng trong kinh doanh. Điều này đã củng cố vị thế của đất nước UAE như một trung tâm thương mại và đầu tư toàn cầu.

Hơn nữa, Quốc vụ khanh Al Zeyoudi cũng kêu gọi khu vực tư nhân của Việt Nam tận dụng sáng kiến NextGenFDI của UAE, trong đó sáng kiến mang lại nhiều ưu đãi cho những người tham gia. Cụ thể, chúng hỗ trợ tái định cư, có quy trình thành lập doanh nghiệp nhanh chóng và cấp giấy phép, thị thực và thị thực vàng dễ dàng, nhanh, đảm bảo quá trình gia nhập thị trường suôn sẻ hơn cho ban quản lý doanh nghiệp và nhân viên…

Đáp lại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, tiềm năng và cơ hội từ hiệp định dành cho cả hai nước là rất lớn. UAE có thế mạnh là trung tâm trung chuyển hàng hoá, tài chính và hậu cần, trong khi Việt Nam cũng trở thành công xưởng của nhiều ngành công nghiệp trên toàn cầu. Sự kết hợp giữa lợi thế cạnh tranh của hai nước sẽ tạo nên động lực cho tăng trưởng đầu tư và thương mại trong tương lai gần. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thông tin rằng Việt Nam vừa hoàn thành nghiên cứu khả thi về hiệp định trong tương lai và coi đây là bước chuẩn bị quan trọng trước khi tiến hành đàm phán. Cụ thể, Việt Nam đánh giá cao việc các nhóm kỹ thuật đã thảo luận kịp thời về dự thảo điều khoản tham chiếu (TOR) của hiệp định này, qua đó hai bên có thể bắt đầu giai đoạn đàm phán thực tế ngay sau khi uỷ nhiệm đàm phán được các Nhà lãnh đạo phê duyệt.

Trong một thông tin có liên quan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã đầu tư tổng cộng 260 triệu AED (71 triệu USD) vào Việt Nam. Các công ty hàng đầu của UAE có đầu tư vào thị trường Việt Nam bao gồm DP World, Emirates Investment Authority, Mubadala và Borouge.

Đan Lê (Lược dịch từ Devdiscourse)