Các lực lượng tham gia diễn tập ứng phó sự cố an toàn bức xạ trên địa bàn |
Quản chặt tại nguồn
Kỹ thuật bức xạ và hạt nhân đã và đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi và có hiệu quả trong các ngành kinh tế - kỹ thuật, nhất là các lĩnh vực: y tế, nông nghiệp, công nghiệp, sản xuất, khai khoáng, an ninh, môi trường... Hiện trên địa bàn tỉnh có 57 cơ sở sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế, với số lượng thiết bị bức xạ lên đến 175 thiết bị X-quang đã được đưa vào quản lý. Qua đôn đốc, hướng dẫn đã có 100% hồ sơ được xử lý cấp giấy phép/tổng số hồ sơ nhận được.
Năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với tổng số 44 hồ sơ. Trong đó gồm 1 hồ sơ khai báo thiết bị X-quang, 10 hồ sơ cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ, 7 hồ sơ cấp mới giấy phép và 26 hồ sơ gia hạn giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế. Ngoài ra, đơn vị còn hướng dẫn, đôn đốc thực hiện việc khai báo, báo cáo, cấp giấy phép đối với nguồn phóng xạ và thiết bị bức xạ khác trên địa bàn tỉnh do Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cấp phép.
Những năm qua, Sở KH&CN đã tổ chức các khóa đào tạo và cấp giấy chứng nhận đào tạo về ATBX, đáp ứng nhu cầu đào tạo để đảm bảo các điều kiện đảm nhiệm công việc của người phụ trách an toàn và nhân viên bức xạ. Hầu hết nhân viên bức xạ trên địa bàn đã có giấy chứng nhận đào tạo về ATBX. Năm 2022, Sở KH&CN đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Kỹ thuật an toàn bức xạ hạt nhân và ứng phó sự cố, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân tổ chức khoá đào tạo về ATBX trong lĩnh vực y tế và công nghiệp và cấp giấy chứng nhận cho 100 nhân viên bức xạ.
Ông Nguyễn Phước Nhân, Phó Trưởng phòng Phụ trách Phòng QLCN & ĐMST - Sở KH&CN cho biết, thông qua các khóa đào tạo, các cán bộ quản lý, phụ trách ATBX nắm bắt được kiến thức về ATBX, hạt nhân; các quy định cho phòng đặt máy, thiết kế che chắn an toàn, các thiết bị cảnh báo bức xạ. Những nhân viên bức xạ còn được trang bị các kỹ năng cần thiết, đồ bảo hộ cần thiết phải sử dụng, công tác kiểm tra, bảo duỡng thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ; cách sử dụng thiết bị điều khiển hạt nhân trong công nghiệp, thiết bị chiếu và thiết bị phân tích sử dụng nguồn bức xạ; đào tạo ATBX trong X-quang chẩn đoán y tế...
Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân để sẵn sàng phòng ngừa xử lý |
Phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó sự cố
Bên cạnh những lợi ích mang lại từ ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ, vẫn tiềm ẩn những nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người, môi trường và cộng đồng xã hội nếu không được quản lý, giám sát chặt chẽ và có những biện pháp phòng ngừa, ứng phó thích hợp. Vì thế, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất cũng như công tác diễn tập ứng phó, phòng ngừa luôn được tỉnh quan tâm.
Hằng năm, Sở KH&CN lập kế hoạch tổ chức thanh tra chuyên ngành việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm ATBX đối với các cơ sở tiến hành công việc bức xạ trong y tế và công nghiệp.
Sở KH&CN cũng đã hướng dẫn các cơ sở tiến hành công việc bức xạ trên địa bàn lập kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cấp cơ sở theo quy định. Đến nay, các cơ sở X-quang y tế đã có kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cấp cơ sở; các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ và thiết bị bức xạ khác (ngoài X-quang y tế) đã lập kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cấp cơ sở và được Cục An toàn bức xạ và hạt nhân phê duyệt theo quy định. Hướng dẫn, đôn đốc nhắc nhở các cơ sở có chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện các quy định của pháp luật về đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ như nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ- lưu giữ nguồn phóng xạ.
Theo đánh giá của Sở KH&CN, việc bảo đảm ATBX trong chiếu xạ nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ được thực hiện theo quy định, như: trang bị liều kế cá nhân cho các nhân viên bức xạ, thực hiện đo, đánh giá liều chiếu xạ cá nhân cho nhân viên bức xạ định kỳ; kiểm xạ khu vực làm việc theo định kỳ. Chưa có trường hợp liều chiếu xạ cá nhân vượt giới hạn quy định.
Thừa Thiên Huế là trung tâm của khu vực miền Trung và Tây Nguyên, là cửa ngõ giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy, đường hàng không, nên sẽ có nhiều nguồn phóng xạ được sử dụng và trung chuyển qua địa bàn. Các hoạt động sử dụng và vận chuyển nguồn phóng xạ có thể gặp sự cố vì các nguyên nân khác nhau sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, môi trường và ổn định xã hội. Vì thế, bên cạnh chú trọng quản lý đảm bảo ATBX tại các cơ sở tiến hành công việc bức xạ trên địa bàn, việc quản lý nguồn phóng xạ tại chỗ hoặc vãng lai luôn được các ngành, các cấp hết sức quan tâm.
Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tập huấn và tổ chức các cuộc diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp tỉnh với quy mô toàn lực lượng, huy động sự phối hợp từ các sở, ban, ngành, đơn vị chuyên môn, lực lượng vũ trang và sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật ATBX hạt nhân và ứng phó sự cố, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân để sẵn sàng phòng ngừa, chủ động ứng phó xử lý đảm bảo an toàn khi xảy ra sự cố.