Ngay lối vào cổng chợ, hàng dừa của chị nằm khiêm tốn giữa những gian hàng trái cây, rau củ, cả hàng thịt heo thịt bò, rồi gia vị, tôm cá... Gần bảy năm sống ở đây, chị đã chứng kiến biết bao nhiêu là chuyện, bao cảnh đời, bao số phận tiểu thương nơi đây.

Sáng nay vừa dọn hàng xong chị bỗng nghe tiếng cãi nhau của ai đó, ban đầu còn nói tiếng vừa phải nhưng sau đó to dần. Hồi mới gia nhập xóm chợ, đôi lúc chị cảm thấy khó chịu vì những âm thanh như vậy, dần dần vì cuộc mưu sinh chị cũng bắt đầu thích nghi. Lần này theo thói quen chị chỉ chú tâm lo buôn bán, rảnh rỗi thì chị tranh thủ đọc sách báo hoặc cầm máy viết bài, thi thoảng gửi các tờ báo kiếm ít tiền nhuận bút cũng là niềm vui. Cuộc sống của chị chỉ đơn sơ như vậy.

Gì chứ chuyện cãi cọ ở đây không hiếm, đôi khi chỉ bắt đầu vì những điều không đâu. Có lúc cãi nhau giữa người mua người bán, đưa tiền rồi hoặc chưa đưa, khách hàng phàn nàn vì bán cá không tươi, thịt cân chưa đủ lạng. Cũng có khi là chuyện tiền bạc hụi hè, chuyện nợ vay trả góp. Những gian hàng sát nhau, nhưng chỉ cần gian bên kia lấn sang hàng bên này một chút vậy là cũng đã có chuyện xảy ra. Cũng có lúc vì cạnh tranh nhau, giành khách nhau mà xảy ra chuyện lôi nhau ra cãi cọ om sòm... Ôi, nói ra thì dài dòng lắm, và không thể kể hết được cả một nghìn lẻ một lý do để bắt đầu những chuyện cãi nhau như hầu hết ở những ngôi chợ trên đời.

Thế nhưng, tinh thần "bán bà con xa mua láng giềng gần" lại được các bà, các chị tiểu thương ở đây rất nêu cao. Vào những dịp như tám tháng ba, những ngày cúng hăm ba tháng năm hay tất niên, các chị họp nhau lại, cùng hùn tiền với nhau để tổ chức lo chung. Có khi các tiểu thương gom mỗi nhóm gồm vài người, có khi cùng cúng chung ở ngay ngã ba lối vào giữa chợ. Cúng bái xong họ ăn uống vui vẻ, cũng có vài lon bia, có khi thuê hẳn một chiếc dàn karaoke di động về hát. Những lúc đó dường như bao nỗi lo toan, vất vả, cả những tỵ hiềm vụn vặt hàng ngày cũng không còn hiện diện khi họ hát hết mình, vui chơi hết mình.

Những nhà hàng xóm lân cận lúc đầu cũng cảm thấy bực mình vì tiếng ồn, nhưng sống cùng nhau trong môi trường ấy riết rồi họ cũng quen, cũng thông cảm cho nhau. Vất vả nhiều rồi, chính vì những phút giây như thế đã giúp họ được hồn nhiên, quên bao khó khăn trong cuộc sống, để ngày mai họ lại có năng lượng tiếp tục lao vào cuộc mưu sinh sớm tối, với những hỉ nộ ái ố thường nhật.

Người ở chợ là thế, vừa cãi nhau xong nhưng hễ có ai gặp điều không may hay ngộ nhỡ trái gió trở trời, có người đau ốm hay gặp hoạn nạn, họ liền có mặt ngay để giúp nhau, của ít lòng nhiều họ vô tư giúp nhau không quản ngại. Chị không quên có những khi ba mẹ chị đau ốm hoặc gặp tai nạn, vậy là các chị em tiểu thương lại âm thầm mỗi người góp một ít tiền, họ chất phác ghi tên từng người vào một mảnh giấy nhỏ rồi gửi biếu ông bà.

Sống ở đây, nếu người khôn khéo thì không nên chuyện gì cũng để trong bụng. Bực mình, không vừa lòng nhau cứ nói hết ra đi, xong xuôi rồi thì chuyện cũ bỏ qua, gặp nhau lại xuề xòa, xởi lởi. Mở hàng là chạm mặt nhau, mặt mày bí xị quăng thúng đụng nia ngó khó coi gì đâu!

Không biết tự bao giờ, cái chợ này đã là một nơi thật thân thương đối với chị, tới nỗi nếu một ngày không buôn bán chị lại nhớ rất nhiều nơi đây, nhớ từng gương mặt thân quen, từng giọng nói tiếng cười, và kể cả những tiếng cãi nhau inh ỏi. Nhưng với chị lại thấy trong cái mớ âm thanh hỗn hợp ấy chất chứa một chữ tình. Chị gọi bằng một từ rất thân thương, đó  là "tình chợ!"

TRANG THÙY