leftcenterrightdel
Nhiều người lao động đến làm thủ tục nhận BHXH một lần tại cơ quan BHXH 

Bảo đảm cuộc sống tuổi già

Hơn 18 năm làm việc ở một doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP. Huế, mặc dù chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng do bận việc gia đình và sức khỏe yếu, chị Nguyễn Thị Mai, trú tại phường Phú Hòa làm đơn nghỉ việc. Khi đến cơ quan BHXH để làm thủ tục nhận BHXH một lần như các đồng nghiệp khác, chị Mai được nhân viên tư vấn về các lợi ích khi tiếp tục tham gia đóng BHXH để đến tuổi nhận lương hưu, đồng thời thụ hưởng các chính sách nhân văn của Nhà nước, chị đã thay đổi quyết định.

Chị Mai chia sẻ: “Với thời gian công tác 18 năm 7 tháng, nếu đăng ký nhận BHXH một lần thì mình nhận được gần 100 triệu đồng. Đây là số tiền khá lớn có thể trang trải rất nhiều việc trong gia đình. Tuy nhiên, sau khi hết tuổi lao động mình lại trắng tay, phải sống nương nhờ vào con cháu; rồi khi đau ốm không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT)… nên mình quyết định tiếp tục tham gia BHXH để được nhận lương hưu”.

Theo quy định, NLĐ tham gia BHXH để lúc về già được hưởng lương hưu, bảo đảm cuộc sống và được cấp thẻ BHYT miễn phí để được chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, khi NLĐ qua đời, người lo mai táng sẽ được hưởng trợ cấp mai táng (bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm mất) và thân nhân NLĐ sẽ được hưởng trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hằng tháng nếu đủ điều kiện theo quy định.

Thực tế cho thấy, NLĐ thường rút BHXH khi họ đã đóng được khoảng 10 năm trở lại. Họ không nhận thức rõ ràng về các lợi ích của việc có lương hưu khi về già và chỉ quan tâm đến một khoản tiền có thể rút để khởi nghiệp hoặc làm một việc gì đó quan trọng trước mắt như mua nhà, xây sửa nhà cửa, mua xe... Thực trạng rút BHXH một lần có thể được nhìn nhận là hệ quả của các vấn đề như thu nhập thấp, tiết kiệm thấp, công việc bấp bênh, không có niềm tin dài hạn vào công việc đang làm, nhận thức mơ hồ về lợi ích của BHXH.

Đẩy mạnh truyền thông

Trước “làn sóng” rút BHXH một lần gia tăng, việc tìm ra giải pháp hạn chế số người rút BHXH một lần là rất quan trọng, giúp bảo toàn hệ thống BHXH, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người tham gia. Nhận BHXH một lần chỉ có thể giải quyết nhu cầu kinh tế trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ thiệt thòi cho NLĐ.

Theo lãnh đạo BHXH tỉnh, người rút BHXH một lần đối mặt với nhiều hệ lụy. Đó là tự tước đi quyền lợi liên quan đến khám chữa bệnh theo BHYT, mất cơ hội hưởng lương hưu khi về già, không được hưởng chế độ tử tuất, ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân, gia đình cũng như chính sách an sinh xã hội.

Để NLĐ nhận thức được những thiệt thòi khi nhận BHXH một lần, thời gian qua BHXH tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông. Đối tượng truyền thông tập trung vào những NLĐ đang làm việc trong các khu công nghiệp, người có nguy cơ thất nghiệp cao. Trong đó, đơn vị phối hợp với Công đoàn Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh tổ chức đối thoại với NLĐ, phát tờ rời, truyền thông bằng các hình thức như tạo lập các nhóm Zalo, Fecebook… để tuyên truyền; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, tư vấn trực tiếp cho NLĐ khi đến cơ quan BHXH để làm thủ tục nhận BHXH một lần. Đồng thời, phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm thành lập nhóm truyền thông trực tiếp tại trung tâm, phát tờ rơi để tuyên truyền, vận động NLĐ không vội vàng hưởng BHXH một lần, nên bảo lưu hoặc tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, nhằm cộng nối thời gian tham gia BHXH để hưởng các chế độ an sinh lúc về già.

Cùng với cơ quan BHXH, trước thực trạng NLĐ ồ ạt nghỉ việc và rút BHXH một lần, Công đoàn Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh và Liên đoàn Lao động ở các huyện, thị xã, TP. Huế đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp nói chung, BHXH một lần nói riêng nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật cho đoàn viên công đoàn và NLĐ. Đồng thời, đi sâu tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, xác định nhóm đoàn viên, NLĐ có nhu cầu hưởng BHXH một lần để tuyên truyền, vận động, giải thích về những hệ lụy của việc hưởng BHXH một lần để NLĐ thay đổi quyết định của mình.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG