Cần thực hiện chế độ ăn rau, củ, quả và trái cây thay vì lạm dụng thực phẩm chức năng (ảnh minh họa). Ảnh: BẢO PHƯỚC |
Theo thống kê của WHO (2018), ung thư tuyến tiền liệt (Prostate Cancer) đứng thứ 4 trong các loại ung thư phổ biến với số lượng gần 1,3 triệu ca mắc mới. Bên cạnh đó, bệnh còn đứng thứ 8 về tỷ lệ tử vong trong các loại ung thư. Tại Việt Nam, cũng theo thống kê trên, ung thư tiền liệt tuyến đứng hàng thứ 11, với gần 4 nghìn ca mắc mới và có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 13. Bệnh thường tiến triển chậm nên nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, kết quả cuối cùng sẽ rất khả quan.
Ung thư tuyến tiền liệt là căn bệnh chỉ gặp ở nam giới, đặc biệt là ở độ tuổi trên 50. Tuyến tiền liệt nằm dưới bọng đái, phía trước ruột già. Nó bao quanh niệu đạo, tức ống dẫn nước tiểu nằm bên trong dương vật qua đó nước tiểu và tinh dịch được thoát ra ngoài.
Bệnh ung thư tiền liệt tuyến bệnh học là dạng ung thư khá nguy hiểm. Tuy là một bệnh có sự phát triển chậm, đa số người mắc ung thư tiền liệt tuyến ở mức nhẹ có thể sống nhiều năm nếu được phát hiện kịp thời. Xong nếu bệnh ở mức nặng sẽ lan ra rất nhanh chóng và có thể gây tử vong.
Dấu hiệu ung thư tiền liệt tuyến: Thông thường ở giai đoạn đầu ung thư tiền liệt tuyến hầu như không có triệu chứng rõ ràng. Ở các giai đoạn sau một vài dấu hiệu của ung thư tiền liệt tuyến có thể bao gồm:
Tiểu khó; đau khi đi tiểu; xuất hiện máu trong nước tiểu; khó duy trì sự cương cứng; máu trong tinh dịch; đau ở lưng, hông, đùi trên thường xuyên; tiểu rắt; tiểu đêm. Dấu hiệu tiểu đêm thường không được để ý, nhưng đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo bạn mắc ung thư tiền liệt tuyến. Nếu bạn đi tiểu đêm nhiều hơn hai lần thì bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tiết niệu.
Ở giai đoạn đầu ung thư tiền liệt tuyến thường không có triệu chứng. Nó có thể được phát hiện bằng xét nghiệm PSA (xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt) tăng cao. Đôi khi bệnh còn gây ra những triệu chứng tương tự như các bệnh khác, ví dụ như bệnh tăng sản tuyến tiền liệt lành tính.
Ở các giai đoạn sau của bệnh, ung thư tiền liệt tuyến di căn sang các khu vực khác của cơ thể và có thể gây ra các triệu chứng khác như đau xương. Ung thư tiền liệt tuyến nếu di căn vào cột sống cũng có thể đè lên tủy sống và gây ra yếu chân, đại tiểu tiện không tự chủ.
Những dấu hiệu ung thư tiền liệt tuyến thường phát triển âm thầm, hoặc nếu biểu hiện ra ngoài nhưng cũng bị coi nhẹ, do đó rất khó để phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu tiên.
Khi khám chuyên khoa, bác sĩ chuyên khoa tiết niệu sẽ làm các xét nghiệm chuyên khoa sâu như chụp cộng hưởng từ vùng sàn chậu (chụp MRI), sinh thiết tuyến tiền liệt để giúp cho chẩn đoán xác định bệnh, mức độ ác tính và chẩn đoán giai đoạn của bệnh.
Dự phòng: Mặc dù không thể phòng ngừa bệnh hoàn toàn, nhưng một số yếu tố dưới đây có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:
Ưu tiên cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể bằng một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học với nhiều rau, củ, quả và trái cây thay vì lạm dụng thực phẩm chức năng.
Tập luyện thể dục thể thao đều đặn để cải thiện sức khỏe tổng thể cũng như sức khỏe tinh thần, đồng thời duy trì cân nặng hợp lý.
Chủ động tầm soát nếu có nguy cơ mắc bệnh (tuổi cao, gia đình có người từng bị bệnh,…).
Khám sàng lọc ung thư là phương pháp kiểm tra nhằm phát hiện bệnh trước khi bệnh nhân có những biểu hiện bệnh lý. Để phát hiện ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn sớm chỉ có thể làm xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA). Ngoài ra, thăm khám trực tràng (digital rectal exam) cũng là cách khám xác định tiền liệt tuyến có lớn bất thường hay không một cách tương đối chính xác.