Nhà báo Nguyễn Sự

Công việc đầu tiên là di chuyển và cất giấu các loại phương tiện in ấn. Máy móc còn lại trong kháng chiến dùng để in các tài liệu tuyên truyền và các tờ báo Đảng bộ tỉnh như Giết giặc, Thông tin… nhanh chóng được chuyển từ chiến khu Hòa Mỹ bằng đò lên khu vực điện Hòn Chén, rồi từ đó đưa lên Dương Hòa và tiếp tục đem vào rừng sâu, như khe Đá Đen, động Mường Chang... Mọi việc không hề đơn giản khi nhà máy in phải nhiều lần thay đổi địa điểm cất giấu. Mỗi lần di chuyển anh em phải gùi gánh rất vất vả, theo kiểu “đêm vận chuyển, ngày thu giấu” để bảo đảm an toàn.

Với tinh thần không để “đứt đoạn” báo Đảng dù bất luận hoàn cảnh nào, ngay trong những tháng ngày đầu tiên đầy thử thách của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vào tháng 12/1954, Tỉnh ủy đã quyết định ra mắt tờ báo Thống Nhất tại vùng rừng núi chiến khu cách mạng của tỉnh, thay cho tờ Giết Giặc đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Thư ký Tòa soạn Báo Thống Nhất là nhà báo Nguyễn Sự, còn phụ trách nhà in là các ông Nguyễn Vinh, Hồ An.

Trong lịch sử phát triển của báo Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế việc làm báo Thống Nhất đã để lại nhiều dấu ấn và bài học kinh nghiệm khó quên. Nhìn chung, quy trình làm báo có tính thống nhất và bảo mật cao. Theo lời kể của ông An, Ban Biên tập Báo chuẩn bị xong bài vở, cho vào bao bì và giao cho người chuyển đến nhà in, phải đi bộ có khi cả ngày mới đến. Cán bộ phụ trách nhà in nhận bài vở và lên ma-ket theo nguyên tắc cơ bản là bố trí bài xã luận ở trang nhất, còn lại “tùy cơ ứng biến”. Chắp bút cho các bài xã luận là các nhà báo Hoàng Sơn và Nguyễn Sự. Thường xuyên tham gia các cuộc họp và làm việc với Tỉnh ủy, nhà báo Hoàng Sơn với tư cách là chủ bút tiếp thu những chủ trương và quan điểm chỉ đạo tình hình của Trung ương và địa phương, về phổ biến và giao lại cho Thư ký Tòa soạn Nguyễn Sự để chắp bút thành xã luận của báo và ký tên chung “Thống Nhất”. Nhà báo Nguyễn Sự là người có bằng tú tài Pháp, từng lăn lộn với phong trào, có kiến thức thực tiễn, khả năng tổng hợp và viết khá nhanh. Các xã luận của Báo Thống Nhất do thế có ngôn ngữ riêng, trình bày chặt chẽ, lô gích, giàu tính chiến đấu, thực sự thu hút và hấp dẫn bạn đọc.

Báo Thống Nhất được phát hành theo đường dây có sẵn. Từ cơ sở in được tổ chức gùi ra các (huyện). Người gùi vác bí mật, không cho phép ai biết và hẹn giao nhận ở trạm, nếu trễ hẹn chừng 10 phút và không đúng mật hiệu quy định thì không tới và không được giao. Từ trạm Báo Thống Nhất được phát hành đến tận cơ sở là các xã ủy và chi bộ nhỏ ở thôn. Giấy in báo thời kỳ đầu là các loại giấy in cũ còn lại trong kháng chiến chống Pháp, sau đó bổ sung từ nguồn gom mua từ đồng bằng lên. Báo Thống Nhất có số trang không ổn định với 4, 6 hoặc trang, có thể in tới vài nghìn tờ/kỳ. Khổ giấy có kích cỡ tương đương tờ A4 hiện nay, khi gặp khó khăn có rút khổ xuống đôi khi chỉ còn ½ trang giấy vở học trò. Khi tình hình thay đổi, phong trào cách mạng phát triển mạnh ở miền núi, ngày 10/1/1959, Báo Thống Nhất (của miền Tây) ra mắt số báo đầu tiên với lời tự giới thiệu: “Tờ báo Thống Nhất của miền Tây ra mắt các bạn với mục đích góp phần vào chủ trương của Đảng về giáo dục cán bộ, nâng dần đời sống của nhân dân, phát triển phong trào đấu tranh chống địch”.

Phong trào Đồng Khởi thắng lợi dẫn tới sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình đã có sự thay đổi căn bản, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã cho xuất bản tờ báo Giải Phóng thay thế cho tờ Thống Nhất. Thay cho nhà báo Nguyễn Sự chuyển sang công tác khác trong vai trò phụ trách là nhà báo Phan Trọng Nhơn cùng với lực lượng được tăng cường, như Tô Nhuận Vỹ, Ngô Kha… Báo Giải Phóng ở chiến khu tiếp tục là vũ khí đấu tranh cách mạng của Tỉnh ủy và nhân dân Thừa Thiên Huế trong công cuộc giải phóng quê hương.

Cách nay chừng 10 năm, nhà báo Nguyễn Sự là người cuối cùng trong đội ngũ những người làm Báo Thống Nhất ở chiến khu qua đời ở tuổi ngoài 90. Bên cạnh quãng thời gian làm Báo Thống Nhất, sau ngày giải phóng 1975, ông Sự còn tiếp tục gắn bó với báo Đảng bộ địa phương trong vai trò Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế giải phóng (1975 -1976). Ông ít nói về cuộc đời cách mạng và làm báo của mình ở chiến khu trong những tháng ngày gian khổ. Thế nhưng, từng có dịp tiếp xúc tôi đặc biệt quý ông ở sự chân thành và nhân hậu, là hiện thân cho một thế hệ nhà báo Thừa Thiên Huế dám dấn thân và chấp nhận bao điều hy sinh, nhừng không nề hà và có đòi hỏi cho riêng mình, thật đáng tự hào.

Đan Duy