leftcenterrightdel
Các sản phẩm của HTX sản xuất theo chuỗi giá trị 

Hướng đi đúng

HTX Nông nghiệp Điền Hòa (Phong Điền) chủ động liên kết với Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam đầu tư làm trang trại nuôi heo theo hướng thương phẩm với quy mô 2.000 con, đến nay đã xuất chuồng, lợi nhuận hơn 400 triệu đồng. Công ty này chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, cung cấp heo giống đầu vào, thức ăn, thuốc thú y và bao tiêu sản phẩm. HTX chịu trách nhiệm xây dựng trang trại theo yêu cầu của công ty và các khoản chi phí như công chăm sóc, chi trả tiền điện, sửa chữa, mua sắm các dụng cụ phục vụ cho chăn nuôi.

Được sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh và Dự án FFD/Agricord Phần Lan, HTX Nông nghiệp Hòa Mỹ (Phong Điền) xây dựng vườn ươm giống cây lâm nghiệp. Vườn ươm ban đầu chỉ rộng 200m2 với 1.500 cây bố mẹ, sản lượng vẫn còn ở mức thấp chỉ đạt 15 ngàn hom/năm. Từ năm 2015, HTX đã nâng mức sản lượng lên 60 ngàn hom/năm.

Để xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị từ cây lâm nghiệp, HTX mạnh dạn mở rộng sản xuất, đầu tư kinh phí 150 triệu đồng xây dựng vườn ươm rộng gần 1ha. Năm 2016 đến nay, HTX sản xuất hàng trăm ngàn cây hom giống keo lai/năm. Nguồn giống này cung ứng cho thành viên vừa đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh, vừa tăng cường chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng theo hướng bền vững từ khâu giống đến gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến.

Nằm ở vùng bán sơn địa, HTX Nông nghiệp Phù Bài (TX. Hương Thủy) có tổng diện tích 763,5ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 450ha rừng trồng. Riêng HTX quản lý 120ha, chủ yếu cây keo. Để hỗ trợ các hộ dân trong các khâu dịch vụ trồng rừng, HTX xây dựng tổ dịch vụ lâm nghiệp. Tổ dịch vụ này gồm trồng rừng và bảo vệ rừng ra đời có ý nghĩa quan trọng đối với bà con, thành viên HTX ở vùng gò đồi này.

Mô hình trồng rừng theo chuỗi giá trị của HTX Nông nghiệp Phù Bài không chỉ tạo bước đột phá trong đổi mới tư duy, phương thức phát triển kinh tế rừng dựa trên tiềm năng đất đai mà còn giúp cho người dân nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng, cung ứng dịch vụ phân bón, nâng cao hiệu quả chất lượng sản phẩm rừng trồng. Bên cạnh chăm sóc, phát triển và quản lý rừng có hiệu quả, hiện HTX đã vận động hơn 50 hộ thành viên tham gia chương trình xây dựng chứng chỉ rừng (PESC), với diện tích 250ha, trong đó hộ có diện tích lớn nhất là 8ha và hộ có diện tích nhỏ nhất là 0,5ha.

HTX Nông nghiệp Thủy Thanh là một trong những đơn vị năng động, đầu tư cơ sở sản xuất, kinh doanh, nắm bắt nhu cầu thị trường rất tốt. HTX khai thác hiệu quả tài sản cố định, đầu tư dây chuyền xay xát lúa gạo tự động, kết hợp với việc xây dựng thương hiệu “Gạo ngon Thủy Thanh”. HTX này còn đầu tư máy sấy lúa và sản xuất củi trấu, dịch vụ tín dụng nội bộ, sản xuất và tiêu thụ giống lúa, quản lý kinh doanh và khai thác chợ Cầu Ngói – Thủy Thanh.

Vận dụng hiệu quả các chính sách

Theo kiến nghị của Liên minh HTX tỉnh, để nâng cao hiệu hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị cần có sự phối hợp của các bộ, ngành trong việc xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực. Trung ương tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, hành lang pháp lý để đảm bảo sự công bằng giữa doanh nghiệp và HTX, cần ban hành bổ sung các điều khoản trong “Nghị định 193”, hoặc ban hành nghị định mới cho HTX nông nghiệp. HTX là một loại hình kinh tế đặc thù cần có sự hỗ trợ thỏa đáng vì là nhóm kinh tế “yếu thế” nhất trong xã hội...

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, ông Trần Lưu Quốc Doãn đánh giá, mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực trên địa bàn tỉnh đang dần dần hình thành và có chiều hướng tích cực. Các HTX bước đầu liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư trang, thiết bị, cở sở hạ tầng sản xuất và giải quyết đầu ra sản phẩm cho nông dân. Nhiều HTX bước đầu tìm kiếm được thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm. Từ đó, tránh được tình trạng ép giá và tạo việc làm thường xuyên, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế nông thôn.

Thời gian đến, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục hỗ trợ các HTX tiếp cận, vận dụng tốt các chính sách khuyến nông, khuyến lâm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, điều hành và các chính sách liên quan đến phát triển HTX. Theo đó, các chức danh trong hội đồng quản trị, ban giám đốc, ban kiểm soát và kế toán trưởng, xã viên làm công tác chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của HTX được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Các địa phương căn cứ quỹ đất và kế hoạch sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp, cho thuê đất đối với các HTX có nhu cầu về đất sản xuất, kinh doanh, xây dựng trụ sở, xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời, thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.

Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thừa Thiên Huế yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm túc các quy định Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và thực hiện đúng quy định về cơ chế đảm bảo tiền vay.

Các HTX được hỗ trợ tham gia triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, xây dựng và triển khai đồng bộ cổng thông tin điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử. Hàng năm, tỉnh dành một phần kinh phí từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ để hỗ trợ các HTX đổi mới và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

Bài, ảnh: TRIỀU CHÍNH