Chị Sương với mô hình nuôi heo siêu nạc |
Gà thả vườn và heo siêu nạc
Nằm ngay trong khu vườn nhà, trang trại heo - gà của nhà chị Nguyễn Thị Sương ở thôn Làng Đông (Lộc Hòa, Phú Lộc) khiến chúng tôi ngạc nhiên bởi không gian sạch sẽ, trong lành. Khách đến thăm, chủ mở cửa chuồng gà, hàng trăm con gà lai đá chuẩn bị đến kỳ xuất ùa chạy ra vườn. Chị Sương khoe: “Đây là giống gà lai đá, gần 500 con lứa này đã hơn 2 tháng tuổi và chuẩn bị xuất chuồng. Không có gì trục trặc, trừ mọi chi phí sẽ lãi khoảng 10 triệu đồng”.
Bảo rằng “trục trặc” bởi nuôi gà trang trại kiểu này cũng đầy những rủi ro. Con giống đảm bảo, chuồng trại hợp vệ sinh, rồi thức ăn đúng tiêu chuẩn… gà phát triển đúng quy trình, nhưng chưa chắc đã có lãi khi dịch bệnh vẫn luôn là mối đe dọa. Thêm nữa, người chăn nuôi như chị Sương phải chịu thêm áp lực bởi sự cạnh tranh về giá cả. Ví như vào thời điểm này, gà cùng chủng loại từ miền Nam ra, còn được gọi là “gà trại lạnh”, có giá bán chỉ bằng một nửa, vì quy mô trang trại gà ở nhiều tỉnh phía nam lớn gấp hàng chục, hàng trăm lần trại gà như chị Sương nơi đây.
Chị Sương kể, lúc mới khởi nghiệp khó khăn trăm bề. Nhưng được sự vận động và trợ giúp của chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp hội phụ nữ, năm 2012, vợ chồng chị Sương mạnh dạn đầu tư trang trại gà - heo ngay trên mảnh vườn nhà có diện tích chừng 4.000m2, nuôi 500 con gà và 10 heo nái. Nhưng chuyến khởi đầu, đàn heo bị chết sạch vì dịch bệnh. Không nản chí, vợ chồng vẫn tiếp tục đầu tư. Làm ăn tích cóp và vay mượn, chị xây dựng thêm chuồng gà, có thể cùng lúc thả nuôi 1.000 con giống, mỗi năm xuất chuồng từ 3 - 4 lứa.
Mới đây gia đình chị Sương cũng đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để hiện đại hóa chuồng trại nuôi heo. Chị bảo, năm 2022 gặp khó khăn nhưng từ mô hình nuôi gà thả vườn và heo siêu nạc cùng với thu nhập từ nghề hớt tóc của chồng, gia đình chị cũng có thu nhập trên 100 triệu đồng để trang trải chi tiêu, tích lũy và nuôi con ăn học.
Đa dạng các mô hình kinh tế
Nằm ở thượng nguồn sông Truồi, xã Lộc Hòa được biết đến là một vùng đất giàu tiềm năng, đất đai nhiều và khá màu mỡ. Nhưng nhiều năm qua, Lộc Hòa vẫn là vùng quê nghèo. Chị Huỳnh Thị Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc Hòa cho biết, thông qua vận động, tuyên truyền của cấp hội phụ nữ cơ sở, nhiều gia đình hội viên phụ nữ xã Lộc Hòa đã mạnh dạn tổ chức nhiều mô hình kinh tế đa dạng. Như chị Sương thành công với “gà thả vườn, heo siêu nạc”; chị Nguyễn Thị Mỹ Hằng (thôn La Phú), hay chị Huỳnh Trần Mỹ Phương (thôn Nam Khe Dài) thành công với việc cải tạo vườn tạp để trồng cây bưởi da xanh; chị Võ Thị Hằng (thôn Làng Đông) với mô hình trồng cà gai leo...
Ngay bản thân chị Huỳnh Thị Hạnh, từ năm 2012 đã mạnh dạn lập trang trại nuôi gà. Khởi đầu không may mắn do con giống chất lượng kém nên lỗ tới 12 triệu đồng. Không nản chí, vợ chồng chị rút kinh nghiệm, kiên trì đầu tư và hiện nay đã có được 2 chuồng, mỗi năm có thể xuất chuồng đến 6.000 con gà thịt. Đặc biệt mới đây, vợ chồng chị Hạnh còn trồng 1,5ha tràm để nấu tinh dầu. Miệng nói và tay làm, cán bộ hội cấp cơ sở cũng là những phụ nữ đi tiên phong và nêu gương sáng trong phong trào phụ nữ làm kinh tế ở Lộc Hòa.
Đẩy mạnh phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, Hội LHPN xã Lộc Hòa cũng đã mở rộng các hình thức giúp nhau trong phụ nữ, quản lý sử dụng nguồn vốn tốt, tăng cường khai thác các nguồn vốn mới với lãi suất thấp, hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Riêng năm 2022, hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giới thiệu cho các hội viên tiếp cận với các chương trình vay vốn với 177 chị và tổng dư nợ ủy thác hơn 6,8 tỷ đồng. Cơ sở hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ tiết kiệm và vay vốn đôn đốc thu hồi nợ nên đến nay, không có nợ quá hạn.