leftcenterrightdel
Gánh hàng rong đậm hương vị xứ Huế 

Gánh hàng rong xứ Huế đa dạng và phong phú: hàng ăn, gánh trái cây, gánh hoa cúng... Người phụ nữ Huế buôn bán hiền lành, nhẹ nhàng từ tốn, dáng đi khoan thai không vội vã. Có đợt ra Hà Nội, tôi cứ ấn tượng mãi những gánh hàng hoa đủ màu sắc, đẹp như tranh vẽ, sáng bừng góc phố. Huế không có những gánh hàng hoa rực rỡ như vậy. Nhưng vẻ đẹp của những gánh hàng rong Cố đô trầm mặc và êm dịu hơn, hài hòa với không khí vốn yên bình nơi đây.

Gánh hàng rong là nét đặc trưng của văn hóa Việt. Bao thế kỷ trôi qua vẫn mang vẻ đẹp man mác buồn dù đã phủ lên mình chút dáng dấp hiện đại. Gọi là “rong” bởi nay đây mai đó, hôm nay ngồi bán ở con đường này, hôm kia lại thấy các o, các mệ “rong ruổi” đạp xe, gánh hàng đến con hẻm khác. Tuổi thơ tôi lại gắn liền với điều giản dị và dễ thương đó. Chiều chiều, độ ba, bốn giờ, o bán bánh nậm lọc bắt đầu tay xách nách mang chiếc mẹt với tiếng rao lanh lảnh “Ai nậm lọc bèo ít ướt khôn?”. Tiếng kêu còn văng vẳng xa xa mà tôi và mấy đứa con nít trong xóm đều nghe thấy. Tôi ba chân bốn cẳng chạy vào nhà, níu áo, làm đủ trò nũng nịu để xin tiền mẹ mua bánh, nhanh nhanh không o lại đi mất. Được mẹ cho ít nghìn, tôi tót chạy như bay, gọi to “O ơi o, o bánh lọc ơi”. O nghe được, vui vẻ quay lại, đi về phía nhà tôi. O đặt chiếc mẹt xuống, lấy khăn sạch lau dĩa, dùng găm tre gắp cho tôi một phần đầy đủ nậm, lọc, bèo, ít, ướt, tóp mỡ, hành phi… rồi chan nước mắm ngọt. Tôi ngồi lên chiếc đòn o chuẩn bị sẵn và ăn ngon lành, no nê. Nhưng có những ngày tiếng rao xa dần mà cuộc “thương lượng” với mẹ chẳng thành, tôi buồn tiu nghỉu, mếu máo nhìn o xa khuất.

Các o, các mệ theo nghề hai ba chục năm, đôi khi ngót nghét cả đời người nên gọi họ là “nghệ nhân” cũng không ngoa chút nào. Thực khách cũng thường gọi tên thật của họ kèm với tên món ăn, tạo thành một “nghệ danh” gắn bó cả cuộc đời, dễ kêu, dễ nhớ. “Kỹ thuật” gánh gồng của họ điêu luyện với đôi quang gánh nhịp nhàng lên xuống theo từng bước chân. Nhiều mệ đã bảy mươi, tám mươi vẫn còn rong ruổi khắp các nẻo, vừa đi vừa nhai trầu bỏm bẻm và cười nói đon đả. Tay nghề của họ cũng rất đáng nể: gói bánh lọc không cần nhìn, cuốn bánh ướt không làm rách bánh, bào đậu xanh thoăn thoắt cho món xôi bắp…

Những gánh hàng rong nho nhỏ ấy đã trang trải cuộc sống cho cả một gia đình, “một mẹ nuôi đủ mười con”, tuy còn nhiều thiếu thốn. Để chuẩn bị cho gánh hàng buổi sáng, các o, các mệ phải dậy từ sớm, đi đến chợ đầu mối chọn mua nguyên liệu tươi ngon để về nhà kịp nấu nướng. Những buổi chiều mưa lạnh, tôi ngồi trong nhà mà vẫn thấy tê buốt, hai bên cầu An Cựu, các mệ mặc chiếc áo mưa và đội nón lá, trước mặt là rổ rau khoai, rau dền, rau tía tô... co ro vì rét và nơm nớp lo trật tự đô thị đuổi. Gương mặt, làn da của các o, các mệ vì thế mà sạm đi vì sương gió, đôi tay chai sần nhiều nếp nhăn. Nhưng từ củ khoai, củ sắn, trái bí đao, quả mướp... hái trong vườn, những đứa con, đứa cháu đã ăn học thành tài, thông minh và hiếu thảo.

Đôi lần, tôi lạc mất một gánh hàng quen vì không biết các o, các mệ đã “trôi dạt” về đâu. Rồi bẵng một thời gian, tôi “hữu duyên” gặp lại bóng dáng thân quen ấy, vội gọi to: “O ơi, con nì, răng o đi mô bất lâu con không chộ nơi?”. O ngoảnh đầu lại nhìn về phía tôi, vui mừng ra mặt, vẫn nụ cười chất phác pha chút vẻ ngượng ngùng đó. O bảo gia đình gặp chuyện phải chuyển đến nơi khác sống chứ o không bỏ nghề. Giờ mọi thứ đã ổn, o đang gom góp vốn liếng mở một cái quán nhỏ chứ có tuổi rồi không còn sức mà rong ruổi nữa, tôi nghe vậy thật mừng. Nhưng cũng có những con người một đi không trở lại, không một dấu tích. Huế bé nhỏ nhưng đủ làm xa cách vài mối thâm tình!

Cũng buồn thay, vài món ăn Huế đang bị thất truyền, những món ăn vặt ngoại nhập như hot dog, bánh gạo Hàn Quốc, bánh bạch tuộc Nhật Bản, chè Thái… hay từ các tỉnh, thành khác như bánh tráng trứng Đà Lạt, bánh tráng trộn Sài Gòn, bánh căn Ninh Thuận, bánh khọt Vũng Tàu... có mùi vị lạ miệng nên giới trẻ rất ưng. Tìm cho được hàng bánh cuốn tôm chua Lò Rèn của mệ Hạnh, bánh đúc mật mệ Gái, hàng xôi bánh dày… đâu có dễ. Thời vàng son đã trôi vào dĩ vãng, nhưng những con người đó vẫn cố gắng bám trụ với nghề, giữ gìn tinh hoa ẩm thực Cố đô.

Gánh hàng rong thời nay đã học tập chút công nghệ để hiện đại hơn rồi, họ đi xe máy và dùng loa cho tiện. Nhưng vừa nghe tiếng rao, chạy ra cổng thì người bán đã đi khuất! Quả thật, bán hàng rong thì không vội, và cũng không nên vội. Chậm rãi, thong thả dùng tiếng rao của mình để chạm đến những cảm xúc và mỹ vị của thực khách thì thật không gì bằng.

Bài, ảnh: THỤC ĐAN