Người bệnh được học nghề và làm nghề để cải thiện sức khỏe, tinh thần |
Từ hồ sơ tiếp nhận đối tượng của Trung tâm BTXH cho thấy, những người tâm thần đang được chăm sóc và nuôi dưỡng tại trung tâm có đến 55% thuộc đối tượng lang thang, vô gia cư, không có gia đình; 45% gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có một số thuộc đối tượng hộ nghèo hoặc cận nghèo. Người tâm thần thường mặc cảm, tự ti, sống khép mình, không muốn giao tiếp... Để chăm sóc sức khỏe, trị liệu, đối với người tâm thần, không đơn thuần chỉ dùng thuốc điều trị mà cần có những liệu pháp trị liệu tâm lý, tham vấn tâm lý trong chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Các đối tượng người tâm thần đang được chăm sóc và nuôi dưỡng tại trung tâm được hưởng chế độ của Nhà nước theo Nghị định 136 dành cho các đối tượng xã hội được chăm sóc và nuôi dưỡng tại trung tâm. Họ còn được kết nối với các dịch vụ xã hội khác, như: tham vấn tâm lý trong chăm sóc sức khỏe tâm thần, việc làm, cung cấp kiến thức, kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng.
Theo bà Hà Thị Hồng Phương, Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp, Trung tâm BTXH, để trợ giúp bệnh nhân tâm thần sớm phục hồi, hòa nhập cộng đồng, trung tâm chú trọng vào hoạt động lao động trị liệu và hoạt động văn thể mỹ, tâm lý trị liệu. Qua nghiên cứu cũng như kinh nghiệm chăm sóc, liệu pháp lao động là hình thức cơ bản nhất để người bệnh có sự tương tác với những người xung quanh, tương tác với công cụ lao động, hòa mình vào cuộc sống. Chỉ có lao động có tổ chức thì người bệnh mới gắn bó với tập thể, với xã hội, tăng cường năng lực và khả năng vận động của người bệnh.
Hoạt động lao động trị liệu được đơn vị xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, may, đan, làm nghề thủ công... để bệnh nhân tâm thần tham gia lao động. Trung tâm đã thực hành làm nấm, trồng rau sạch, thu hoạch rau, trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm nghề may thảm chà chân, đan lưới xuất khẩu đi Nhật, thêu nón, làm hương, làm hàng mã... Trung tâm BTXH còn lựa chọn một số người tâm thần nhẹ tham gia hỗ trợ cán bộ chế biến thức ăn, hỗ trợ việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần nặng hơn.
Qua thời gian áp dụng hoạt động lao động trị liệu cho thấy, bệnh nhân tích cực tham gia hoạt động lao động trị liệu tại trung tâm, có tinh thần phối hợp trong lao động. Thông qua các hoạt động này vừa tạo niềm vui, nâng cao sức khỏe và tạo việc làm cho khoảng 300 người tâm thần. Sản phẩm tạo ra còn giúp đơn vị chủ động được nguồn rau sạch phục vụ được người bệnh. 100% người tâm thần ở đây được ăn rau sạch do chính họ làm ra. Bên cạnh đó, trung tâm cũng tự phục vụ được một phần nguồn thịt lợn, gà, vịt cho người tâm thần cải thiện, làm phong phú thêm khẩu phần ăn, đảm bảo chế độ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài lao động sản xuất, bệnh nhân tâm thần còn được điều trị thông qua tham gia hoạt động văn thể mỹ, tâm lý trị liệu. Trung tâm đã xây dựng thư viện sách và duy trì, thường xuyên cập nhật, bổ sung nhiều đầu sách, báo để người bệnh tham gia đọc, giải trí. Cũng thông qua đây, cán bộ Trung tâm BTXH lồng ghép thêm những buổi sinh hoạt để trò chuyện, tư vấn tâm lý cho bệnh nhân; phối hợp với một số bệnh viện lớn tổ chức chăm sóc, thăm khám sức khỏe tại chỗ cho bệnh nhân.
Đại diện Trung tâm BTXH tỉnh chia sẻ, qua quá trình tham gia lao động, học nghề, văn thể mỹ..., tình trạng bệnh tật của nhiều người khuyết tật thần kinh tâm thần được thuyên giảm, vui vẻ, đặc biệt hạn chế được tình trạng lên cơn, phát bệnh của nhiều bệnh nhân so với trước đây.