leftcenterrightdel
 Hạ tầng cảng Chân Mây đang được đầu tư. Ảnh: NGUYỄN PHONG

Tỷ lệ giải ngân thấp

So với mọi năm, nguồn vốn đầu tư công năm nay tăng đáng kể. Cụ thể, theo kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023, Thừa Thiên Huế được Thủ tướng Chính phủ giao và HĐND tỉnh giao bổ sung 5.923 tỷ đồng. Số vốn này tăng khoảng 38% so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 2.200 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021.

Tuy nhiên, đến hết quý I, nguồn vốn này mới chỉ giải ngân 682 tỷ đồng/5.923 tỷ đồng tương đương 11,5% kế hoạch. Trong đó, chỉ có nguồn vốn từ ngân sách Trung ương (vốn trong nước) có số liệu giải ngân tương đối tốt với 26% kế hoạch, tương đương giải ngân 430/1.654 tỷ đồng. Các nguồn vốn còn lại có tỷ lệ giải ngân thấp, như vốn cân đối ngân sách địa phương mới chỉ giải ngân 7% kế hoạch; vốn nước ngoài (ODA) giải ngân đạt 2,3% kế hoạch. Vốn ngân sách Trung ương của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tỷ lệ giải ngân cũng không mấy khả quan, khi mới chỉ đạt 3% kế hoạch.

Nếu tính luôn nguồn vốn giao bổ sung từ nguồn tăng thu ngân sách năm 2021 và năm 2022 với 705 tỷ đồng, tổng số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh tăng lên gần 6.629 tỷ đồng. Như vậy, số vốn giải ngân đến thời điểm cuối tháng 3 cũng tăng lên 834 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ giải ngân 12,6% kế hoạch.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến đến ngày 30/6/2023, tỷ lệ giải ngân chung toàn tỉnh đạt khoảng 40%.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh và cầu qua cửa Thuận An. Ảnh: Ngọc Minh

Trong khi đó, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 yêu cầu các dự án và gói thầu chuyển tiếp được bố trí kế hoạch vốn năm 2023 phải giải ngân trên 60% kế hoạch vốn năm 2023 vào 30/6/2023. Với các dự án và gói thầu khởi công mới được bố trí kế hoạch vốn năm 2023 phải có số liệu giải ngân cho công tác xây lắp khi đến ngày 30/6/2023 và đến ngày 30/9/2023 phải giải ngân trên 70% kế hoạch vốn năm 2023, đến 31/12/2023 phải giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023. Với tiến độ giải ngân như trên rất khó để thực hiện yêu cầu này.

Nhận diện điểm nghẽn

Có nhiều nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân chậm, như: thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) kéo dài, bàn giao mặt bằng chậm. Tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng; giá cả vật liệu tăng đột biến làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án và giải ngân vốn đầu tư. Ngoài ra, năng lực nhà thầu thi công hạn chế cũng đang khiến hàng loạt dự án chậm tiến độ, kéo theo tỷ lệ giải ngân thấp.

Lấy dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (Dự án các đô thị xanh) - tiểu dự án Thừa Thiên Huế làm ví dụ. Theo phê duyệt, dự án này gồm 10 gói thầu xây lắp. Đến nay, Ban quản lý (BQL) dự án đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu, trong đó có 2 gói thầu đã đưa vào sử dụng, 8 gói thầu đang triển khai thi công và đều đang chậm tiến độ.

Tại cuộc họp đánh giá tiến độ dự án tổ chức cuối tháng 3 vừa qua, BQL dự án thông tin, khó khăn lớn nhất của dự án là công tác GPMB. Khi hiện tại, dự án đang triển khai 54 hạng mục công trình xây dựng trên địa bàn TP. Huế, nhưng đến nay chỉ có công trình kè Như Ý, hồ Phong Trạch, hồ Cây Mưng, hồ Tiền Bảo được GPMB sạch và 19 công trình không GPMB, còn lại đều vướng GPMB.

Ngoài những nguyên nhân khách quan này, BQL dự án cũng chỉ ra nhiều nguyên xuất phát từ yếu tố chủ quan. Năng lực thi công hạn chế của nhà thầu đã ảnh hưởng đến tiến độ chung. Cụ thể, Ban chỉ huy công trường thiếu cán bộ kỹ thuật có đủ năng lực chuyên trách để thực hiện công tác chỉ đạo thi công. Các thiết bị thi công như máy lu, máy đào, ô tô tưới nước thiếu trầm trọng. Dây chuyền thảm bê tông nhựa phụ thuộc hoàn toàn vào nhà thầu phụ, gây ra sự chậm trễ tiến độ hoàn trả mặt đường. Công tác đảm bảo an toàn giao thông có nhiều vi phạm, do thiếu cán bộ an toàn chuyên trách...

Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, các vướng mắc về thể chế, pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai như sự không thống nhất trong xác định phân loại đất, nguyên tắc sử dụng đất giữa các bộ luật; chênh lệch giữa giá bồi thường áp theo khung quy định của Nhà nước so với giá đất trên thị trường. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất nông nghiệp và đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất thu hồi phục vụ các dự án đầu tư công… cũng đã gây ra vướng mắc trong công tác GPMB cho các dự án.

Đăng ký tiến độ theo từng tháng

Trước nhiều điểm nghẽn khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công gặp khó khăn, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch giải ngân và phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện cho từng dự án ngay từ đầu năm. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư đăng ký tiến độ tổng thể, chi tiết và cam kết tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 theo từng tháng.

Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh đang tập trung giải quyết công tác GPMB, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh. Đồng thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng làm cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư dự án, kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, vật liệu xây dựng.

UBND tỉnh cũng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị chủ đầu tư tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, phân công lãnh đạo đơn vị phụ trách từng dự án. Các chủ đầu tư cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng, tính khả thi và khả năng triển khai thực hiện dự án. Đồng thời cũng yêu cầu các sở, ngành chuyên môn tiếp tục đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt dự án, đảm bảo rút ngắn thời gian thẩm định dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật còn 2/3 thời gian theo quy định, tạo điều kiện tối đa giải quyết thủ tục cho các chủ đầu tư và tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công.

HOÀNG ANH