leftcenterrightdel
 Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương kết luận buổi làm việc

Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch

Thông tin tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật cho biết, năm 2022, thành phố thực hiện 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Quý I/2023, tình hình sản xuất kinh doanh tăng trưởng khá, hoạt động du lịch đã có bước phục hồi, lượng khách du lịch đến Huế tăng, đặc biệt là khách quốc tế.

Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, chỉnh trang hạ tầng đô thị, được tập trung thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, tạo bước đột phá về phát triển hạ tầng, làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thành phố cũng tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh các thủ tục thực hiện công tác đền bù và bồi thường hỗ trợ, thu hồi đất, giao đất tái định cư đối với các DA giải tỏa trên địa bàn, đặc biệt là các DA trọng điểm của tỉnh và thành phố trong năm 2023. Lĩnh vực giáo dục, văn hóa, xã hội, y tế tiếp tục duy trì kết quả tốt. 

Liên quan đến việc triển khai các DA trọng điểm, Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật đã thông tin về tiến độ thực hiện, đặc biệt là các DA lớn.

Theo đó, đối với DA di dời dân cư khu vực I Kinh thành Huế, năm 2023, thành phố tiếp tục thực hiện hoàn thành công tác giải ngân 173 tỷ đồng để phê duyệt bổ sung tại các khu vực đang triển khai thực hiện.

Ông Nhật kiến nghị UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép tỉnh được sử dụng nguồn vốn bố trí trong năm 2023 để thực hiện mở rộng phạm vi đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế.

leftcenterrightdel
Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật thông tinh về các DA trọng điểm trên địa bàn  

Trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), một số DA có tổng tiến độ các công việc đền bù, GPMB đến nay chậm so với yêu cầu. Công tác GPMB vẫn tồn tại, vướng mắc hay gặp phải trong quá trình thực hiện, điển hình là việc giải quyết bố trí tái định cư cho “hộ phụ” có nhà ở độc lập trên đất của hộ chính, nhà ở bị giải tỏa toàn bộ, phải di chuyển chỗ ở và không còn chỗ ở nào khác; diện tích đất có nhà ở bị ảnh hưởng thực hiện thu hồi và bồi thường cho “hộ chính”, diện tích đất còn lại sau thu hồi của “hộ chính” đủ điều kiện để xây dựng nhà ở hoặc nhà ở của “hộ chính” trong cùng thửa đất bị thu hồi không bị giải tỏa...

Riêng DA tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh và cầu qua cửa Thuận An thì quỹ đất nghĩa trang để phục vụ di dời mồ mả cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng hiện nay phục vụ DA cụ thể như sau: Khu vực Thuận An di dời khoảng 5.200 ngôi mộ,  khu vực Hải Dương di dời khoảng 4.500 ngôi mộ. “Sau khi lấy ý kiến tham gia của người dân hầu hết các hộ gia đình kiến nghị nếu di dời về Nghĩa trang phía Bắc và phía Nam thì quá xa và diện tích quá nhỏ để cải táng. Hiện, thành phố đang làm việc với UBND huyện Phú Vang để bàn giao khu vực nghĩa trang Phú Xuân (khoảng 3.000 mộ) theo chỉ đạo của tỉnh”, ông Nhật cho hay.

Tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các DA

leftcenterrightdel
DA tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh và cầu qua cửa Thuận An là một trong những DA lớn, trọng điểm thuộc địa bàn thành phố 

Tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố nêu nhiều kiến nghị về phương án đầu tư xây dựng chợ Đông Ba; bổ sung chính sách hỗ trợ không thu tiền thuê mặt bằng đối với các đơn vị trưng bày các sản phẩm OCOP; đề xuất xin sử dụng cơ sở Trường cao đẳng Sư phạm ở Trần Quang Khải (sau khi tỉnh sắp xếp) để làm Trường mầm non Phú Hội; đề xuất xin vị trí Trường Đặng Trần Côn hiện tại để làm trường chuyên biệt của thành phố; bổ sung quy hoạch, mở rộng các nghĩa trang trên địa bàn; xem xét phương án để tiếp tục nâng cao trình tại bãi rác Thủy Phương (giai đoạn 3) để kéo dài hoạt động đến hết năm 2023, đảm bảo hoạt động chôn lấp rác không bị gián đoạn…

Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành đánh giá cao tình hình phát triển kinh tế – xã hội của thành phố trong thời gian qua.

Liên quan đến lĩnh vực đất đai, ông Hồ Đắc Trường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường cơ bản thống nhất với các kiến nghị của thành phố, đồng thời làm rõ nhiều nội dung liên quan đến cấp đổi quyền sử dụng đất; phân kỳ đầu tư đối với các DA… Lãnh đạo Sở Công thương đề nghị thành phố quan tâm hoạt động sản xuất công nghiệp và cụm công nghiệp; hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ;…

Trên lĩnh vực du lịch, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch mong muốn thành phố cần đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ du lịch; quy hoạch thêm các vị trí đậu, đỗ xe; quy hoạch khu vực âm thực đặc trưng của Huế; hình thành các sản phẩm du lịch mới…

Ngoài ra, các sở, ngành cũng làm rõ các vấn đề khác về chỉ tiêu giảm nghèo, khoa học công nghệ, giáo dục, y tế, giao thông, hạ tầng đô thị, các dự án đầu tư công quan trọng, theo dõi giải ngân vốn đầu tư công…

“Thành phố là nơi tập trung nhiều dự án trọng điểm của tỉnh, do vậy, cần đặc biệt quan tâm đến công tác GPMB, bởi đây là yếu tố then chốt trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Ngoài ra thành phố cần tập trung các giải pháp để phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Qúy Phương nhấn mạnh.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương ghi nhận, đánh giá cao các thành quả thành phố đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là có những sáng kiến hay để thay đổi bộ mặt đô thị.

Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản đồng tình với các đề xuất, kiến nghị của thành phố; giao cho các sở, ban ngành phối hợp với thành phố để khắc phục các khó khăn, nghiên cứu các phương án phù hợp để giải quyết các kiến nghị...

Ông Nguyễn Văn Phương cho rằng, tỉnh luôn ưu tiên nguồn lực để tập trung đầu tư cho đô thị trung tâm, do vậy, Huế cần phát huy vai trò dẫn dắt của một đô thị trung tâm.

"Để thay đổi sắc thái của đô thị, thành phố cần bám sát và đưa ra các mục tiêu cụ thể để phấn đấu. Trong đó, cần quan tâm đặc biệt đến các DA trọng tâm, trọng điểm. Xác định được tầm quan trọng của từng DA để có các ưu tiên triển khai", Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhìn nhận.

LÊ THỌ