Messi nhận Quả bóng vàng FIFA 2010. Ảnh:AFP

Từ khoảng năm 2006-2007, tiqui-taca đã manh nha trở thành “đặc sản” của Barca. Lò đào tạo La Masia sản sinh ra những tiền vệ nhỏ con, giữ bóng tốt, chơi đầy sáng tạo, lối chơi chuyền và di chuyển liên tục. Đó là những mấu chốt để hình thành nên lối chơi tiqui-taca. Trong những cầu thủ đó, nổi bật nhất là những cái tên như Xavi, Cesc, Iniesta, Silva. Nhưng cũng thời điểm đó, thứ bóng đá hoa mỹ dựa trên khả năng cầm bóng và áp đặt thế trận của hàng tiền vệ ở Barca bị xem là nhàm chán, ít tính đột phá và dễ bị bắt bài bởi các cầu thủ giữ bóng quá lâu và sử dụng quá nhiều đường chuyền ngang.

Nhưng khi khởi động cho chiến dịch Euro 2008, ông thầy Aragones của tuyển Tây Ban Nha lại không nghĩ vậy. Dựa trên sự ăn ý đến mức tuyệt vời của cặp Xavi-Iniesta (một cây làm bóng số 1 của thế giới và một là cầu thủ chạy cánh siêu việt với khả năng đi bóng kĩ thuật và tốc độ), lối chơi đặc trưng của Barca được tuyển Tây Ban Nha vận dụng một cách linh hoạt hơn (kết hợp Xavi và Iniesta theo trục dọc, kéo Iniesta sang trái và đẩy Xavi lên cao hơn thay vì để 2 cầu thủ này chơi song song trên hàng tiền vệ. Trước đây, Barca đúng là vượt trội về khả năng cầm bóng, nhưng thực chất, vẫn chỉ mạnh về những đường chuyền ngang, vô hại, thiếu tính đột phá và hạn chế cả khả năng tấn công của Iniesta lẫn Xavi). Và, với những đóng góp của hạt nhân Xavi, Iniesta, tuyển Tây Ban Nha với lối chơi tiqui-taca đã chễm chệ trên ngôi vương tại EURO 2008 một cách đầy thuyết phục.


Việc Messi, Iniesta và Xavi góp mặt ở 3 vị trí cao nhất cũng được xem như sự ghi nhận tuyệt vời cho chất lượng đào tạo ở Barca, nơi cả ba cùng đi lên từ hệ thống đào tạo trẻ của CLB. Ảnh: AFP


Cũng từ thành công ấy, tiqui-taca chính thức trở thành một “đặc sản” rất riêng của Tây Ban Nha. Nó được “cân, đo, đong, đếm với “jogo bonito” của Brazil, “catenaccio” của Italia hay “totaalvoetbal” của Hà Lan. đến năm 2010, cũng lối chơi đó, cũng những hạt nhân đó, “bò tót” đã vượt qua những trường phái “jogo bonito”, “catenaccio” và “totaalvoetbal để trở thành ông vua mới của bóng đá thế giới.
Ở cấp độ CLB, sau thành công của tuyển Tây Ban Nha với những nhân tố chủ chốt Xavi, Iniesta, dưới sự dẫn dắt của Pep Guardiola, Barca cùng với Xavi, Iniesta và Messi tiếp tục trung thành với phong cách tiqui-taca - trong thời điểm đa phần các CLB đều theo đuổi thứ bóng đá nặng tính thực dụng và toan tính - và chơi ngày càng hiệu quả hơn. Minh chứng là cú ăn 6 thần thánh của đội bóng xứ Catalan trong năm 2009.
Dài dòng như vậy để thấy, việc cầu thủ Barcelona độc chiếm trong danh sách rút gọn quả bóng vàng 2010 cũng như việc Messi giành danh hiệu quả bóng vàng FiFa 2010 chính là công sức của gã khổng lồ xứ Catalan, của lò đào tạo La Masia. Và, không ngoa khi nói rằng, Quả bóng vàng FiFa 2010 chính là của lối chơi tiqui-taca, hay ít nhất là của bộ ba nguyên tử: Xavi - Messi - Iniesta chứ không riêng gì của Leo Messi.
Hàn Đăng