Thi công đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh (tư liệu) minh họa: Huy Hùng/TTXVN |
Tại cuộc họp kiểm điểm kết quả Phiên họp lần thứ 4 và bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy thực hiện các công trình, dự án vừa được tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; sớm phê duyệt các dự án; giải phóng mặt bằng phải tích cực; tổ chức thi công khẩn trương; cấp phép mỏ, cung cấp đủ nguyên vật liệu xây dựng cho các nhà thầu.
"Thông qua đầu tư công để đưa nguồn vốn vào nền kinh tế, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; kích hoạt các hoạt động kinh tế, thúc đẩy phát triển", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Chuyển biến chưa như mong muốn
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I/2023, đã có 73.192,092 tỷ đồng vốn đầu tư công được đưa vào nền kinh tế. Tỷ lệ giải ngân đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn con số 11,88% của cùng kỳ năm ngoái. Tuy xét về con số tuyệt đối thì vẫn cao hơn khoảng 11.700 tỷ đồng, nhưng rõ ràng, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tính đến hết tháng 3/2023, vẫn có 48 bộ, cơ quan Trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước; trong đó, 30 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân (0%) kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023.
Trong nhiều lý do dẫn tới phân bổ chậm, giải ngân chậm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh việc một số dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư. Trong số này, các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chiếm tỷ lệ lớn.
Ngay cả với dự án sử dụng ngân sách địa phương cũng vậy, nhiều dự án dự kiến khởi công trong năm 2023 vẫn chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư. Bên cạnh đó, các dự án đang tập trung thực hiện công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu.
Nguyên nhân khác là nhiều dự án vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, một số dự án trọng điểm ngành giao thông gặp khó khăn vì thiếu nguồn cung vật liệu, chủ yếu là đất và cát; gây ảnh hưởng tiến độ, thiếu khối lượng thi công hoàn thành để nghiệm thu và giải ngân vốn. Trên thực tế, vấn đề này đã phát sinh từ năm ngoái, nhưng đến nay chậm được giải quyết dứt điểm.
Từ góc độ của bộ có số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 lớn nhất, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công cần được tập trung thúc đẩy mạnh mẽ, đặc biệt tại các bộ, ngành được giao vốn lớn. Từ đó, sẽ tạo ra dư địa, động lực tăng trưởng ngay lập tức.
Riêng Bộ Giao thông Vận tải, kế hoạch vốn năm 2023 là 94 nghìn tỷ đồng, quý I đã giải ngân được 17%, là mức tương đối tốt, nhưng Bộ không chủ quan, tập trung đẩy nhanh giải ngân trong thời gian tới.
Còn theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sĩ Thanh, quý I/2023, thành phố giải ngân hơn 5.100 tỷ đồng, đạt 11% kế hoạch năm, nhưng có 16 sở, ngành, quận, huyện chưa giải ngân. Thành phố đang rà soát, đánh giá, nếu do nguyên nhân chủ quan sẽ phê bình nghiêm khắc, xác định trách nhiệm cá nhân. Thời gian tới, thành phố tiếp tục quyết liệt chỉ đạo giải ngân nguồn vốn được giao, tập trung giải quyết vướng mắc về đất đai, giá cả.
Theo chuyên gia Nguyễn Bích Lâm, đầu tư công, động lực tăng trưởng của nền kinh tế, cần được giải ngân nhanh hơn. Đối với nước ta, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước sẽ làm GDP tăng thêm 0,058%.
Đặc biệt, trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam thì đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhằm phục hồi, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.
Do đó, với tổng nguồn vốn hơn 700 nghìn tỷ đồng, kế hoạch vốn đầu tư công của cả nước năm 2023 còn rất lớn, các bộ, ngành, địa phương đang đặt quyết tâm cao để giải ngân đạt kế hoạch năm.
Vào cuộc quyết liệt, tạo chuyển biến
Trên thực tế, Chính phủ luôn theo sát, nắm bắt tình hình, chủ động đôn đốc và chỉ đạo các đơn vị, đầu mối dồn sức cho hàng loạt công tác liên quan, từ chuẩn bị đến triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn quan trọng này.
Đơn cử, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg (ngày 23/3/2023) về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ thị nêu rõ, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước năm 2023 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Thủ tướng Chính phủ cũng thành lập các tổ công tác đi thị sát, tìm hiểu thực tế, nguyên nhân gây chậm tiến độ các dự án, công trình để rà soát, tìm giải pháp khắc phục, cải thiện tình hình. Đối với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng quy định.
Về phía địa phương, hàng loạt tỉnh, thành phố cũng vào cuộc một cách đồng bộ, với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm; trong đó, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, Bí thư quận ủy, huyện ủy, Chủ tịch UBND 21 quận, huyện quan tâm tập trung chỉ đạo quyết liệt các phòng, ban, đơn vị, chủ đầu tư dự án phối hợp chặt chẽ với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng địa phương giải quyết dứt điểm các vấn đề có liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng của từng dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.
“Tp. Hồ Chí Minh sẽ tập trung giải ngân đầu tư công, để làm sao hết quý II, giải ngân được 35% kế hoạch; hết quý III đạt 58% và đến hết niên độ ngân sách năm 2023, đạt 95% kế hoạch”, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chia sẻ.
Hơn ai hết, ông Phan Văn Mãi hiểu việc thúc đẩy giải ngân có ý nghĩa thế nào đối với tăng trưởng kinh tế của TP Hồ Chí Minh. Quý I/2023, đầu tàu kinh tế chỉ tăng trưởng 0,7%, trong bối cảnh cả sản xuất công nghiệp và một số ngành dịch vụ trọng yếu sụt giảm. Vì thế, đầu tư công là động lực vô cùng quan trọng.
Để thúc đẩy giải ngân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc phân bổ chi tiết vốn; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tách công tác đền bù, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
“Vấn đề quan trọng là ý thức trách nhiệm, tinh thần quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của cấp lãnh đạo. Cần suy ngẫm vì sao cùng một cơ chế nhưng có nơi đạt kết quả giải ngân tốt mà nơi khác lại không đạt yêu cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.