1 - Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và Giải việt dã truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 31 – 2023 diễn ra ngày 26/3, thu hút hơn 1.700 vận động viên (VĐV) tham dự, trong đó, giải việt dã quy tụ gần 150 VĐV đến từ 12 địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh, tranh tài ở các cự ly: 6,2km (nam, nữ) và 4,2km (nam, nữ).

leftcenterrightdel
Lê Trọng Phú về nhất cự ly 4,2km nội dung cá nhân nam tại Giải việt dã toàn tỉnh 2023 

Tại giải việt dã, từ một địa phương không mấy tiếng tăm, chỉ trong thời gian ngắn, Hương Thủy đã cho thấy những bước tiến vững chắc, để rồi tạo nên cú sốc khiến nhiều người kinh ngạc.

Khoảng chục năm trở lại, thứ 3 toàn đoàn là vị trí cao nhất của điền kinh Hương Thủy tại giải việt dã toàn tỉnh. Và phải đến năm 2020, Hương Thủy mới một lần nữa đạt được vị trí thứ nói trên. Từ bước đà này, năm 2021, Hương Thủy vươn lên đứng thứ nhì toàn đoàn, lọt top 3 đội dẫn đầu nội dung đồng đội nam, đồng đội nữ. Đến năm 2022, với vị trí nhất đồng đội nữ, nhì đồng đội nam, Hương Thủy xuất sắc đứng nhất toàn đoàn. Đây cũng là lần đầu tiên, điền kinh Hương Thủy đứng trên bục cao nhất tại giải việt dã truyền thống tỉnh.

leftcenterrightdel
 Đoàn vận động viên của Hương Thủy (giữa) tạo nên cú sốc tại Giải việt dã toàn tỉnh 2023

Chưa dừng lại ở đó, tại Giải việt dã truyền thống tỉnh 2023, TX. Hương Thủy “chạm đỉnh” khi xuất sắc đứng nhất nội dung đồng đội nam, đồng đội nữ, qua đó bảo vệ vị trí nhất toàn đoàn. Thành tích này chính là dấu mốc lịch sử của điền kinh Hương Thủy từ trước đến nay.

Có thể nói, cú “nước rút” ngoạn mục trong thời gian ngắn để đem về thành tích ngoài mong đợi của điền kinh Hương Thủy đã cho thấy nỗ lực, phấn đấu của những người làm thể thao và lực lượng VĐV, đồng thời, chứng minh tính hiệu quả trong việc đầu tư cho bộ môn này. Nhưng niềm vui cũng đi kèm âu lo. Bởi, thành tích “tam thắng” cũng chính là áp lực lớn mà điền kinh Hương Thủy phải vượt qua ở những giải đấu tiếp theo, nếu không muốn thành quả vừa gầy dựng được nhanh chóng “đổ sông, đổ biển”.  

2 - Cũng tại Giải việt dã tỉnh 2023, ở nội dung cá nhân (nam, nữ), 2 VĐV Nguyễn Hoàng Anh (P. Hương Long - TP. Huế) và Nguyễn Thị Hằng (Cục Hải quan) chia nhau 2 vị trí nhất cự ly 6,2km; 2 VĐV Lê Trọng Phú và Hoàng Thị Mỹ Kiều (cùng của Phú Vang) độc chiếm ngôi đầu cự ly 4,2km. Đáng nói, trong 4 VĐV kể trên, thì đây là lần thứ 10, Lê Trọng Phú đứng trên bục cao nhất ở cự ly trung bình dài.

Lê Trọng Phú sinh năm 1989, trước đây là thành viên tuyển điền kinh tỉnh. Sau thời gian "ăn cơm" đội tuyển, với nhiều lý do, năm 2007 Phú giải nghệ, chuyển sang công tác tại Trường tiểu học Phú Thuận 1 (Phú Vang).

Ở độ tuổi đã 34 - 35, có vợ và 2 con, lại xa môi trường tập luyện chuyên nghiệp đã lâu, thì rõ ràng, trong thời gian là VĐV thi đấu cho Phú Vang từ 2007 đến nay, thành tích Lê Trọng Phú đạt được rất đáng khâm phục. Nhưng ở chiều ngược lại, điều này dấy lên những âu lo về chất lượng của tuyển điền kinh tỉnh khi không ít thành viên đội tuyển thi đấu cho các địa phương vẫn không thể vượt qua Phú trong thời gian dài, dù rằng tuổi đời, điều kiện tập luyện hoàn toàn trái ngược.

Ông Đỗ Văn Vịnh - Trưởng bộ môn Điền kinh tỉnh lý giải, để động viên, phát triển phong trào, điều lệ giải việt dã tỉnh quy định, VĐV tuyển điền kinh tỉnh chạy cự ly trung bình dài, cự ly dài (từ 800m trở lên) không được tham gia.

Ngoài ra, do mục tiêu đề ra từ đầu nên tuyển điền kinh tỉnh chỉ tập trung đào tạo ở những nội dung có khả năng tranh chấp huy chương tại các giải khu vực, vô địch quốc gia, ĐH thể thao toàn quốc…, như: nhảy xa, vượt rào, cự ly ngắn… nên không có VĐV chất lượng tham gia cự ly 4,2km tại giải việt dã tỉnh.

Cũng với thắc mắc trên, ông Bùi Thanh Dũng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao cho rằng, có thể những VĐV xuất sắc của tuyển điền kinh tỉnh đã tập trung ở đội tuyển quốc gia; hoặc VĐV chỉ tập trung cho các sân chơi lớn nên Lê Trọng Phú mới gần như độc chiếm cự ly trên tại giải việt dã tỉnh.

3 - Những giải thích trên không phải không có lý, nhưng nếu liên hệ với câu chuyện của Lê Trọng Phú và thực trạng thành tích của điền kinh Huế thời gian qua, rõ ràng, điền kinh tỉnh nhà đang vừa có độ “lệch”, vừa chưa cho thấy hiệu quả trong đào tạo.

Minh chứng là sau khi VĐV Đỗ Thị Bông giải nghệ, những tấm huy chương ở các đấu trường lớn như ĐH Thể thao toàn quốc, SEA Games của điền kinh Huế đa phần phụ thuộc VĐV ngoại tỉnh, được đào tạo và trưởng thành ở nơi khác. Như Trần Thị Yến Hoa (Nam Định) – VĐV chủ lực của điền kinh Cố đô tại 3 kỳ SEA Games 28, 29 và 30 - trước khi đầu quân cho Huế (2014), Yến Hoa đã nhiều lần tỏa sáng ở những đấu trường lớn.

Và sau khi Yến Hoa chia tay (năm 2020), ở Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 vừa qua, điền kinh Huế là một trong số ít đoàn “trắng” huy chương ở môn thể thao nữ hoàng. Điều này cũng có nghĩa, lực lượng kế thừa Yến Hoa nói riêng (100m rào), một số nội dung đã và đang đầu tư nói chung chưa như kỳ vọng.

Từ thực tế này, ông Đỗ Văn Vịnh cho hay, bộ môn cũng thấy được tồn tại và đang có những điều chỉnh nhất định về mục tiêu, về đào tạo… để tăng tính hiệu quả khi tranh tài ở những đấu trường lớn trong thời gian tới. “Trước mắt, chúng tôi đang có 2 “mầm non” triển vọng. Khoảng 2-3 năm tới, khả năng sẽ "soán ngôi" Lê Trọng Phú tại giải việt dã cấp tỉnh cũng như tạo được dấu ấn ở những sân chơi lớn hơn”, ông Vịnh cho hay.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG