leftcenterrightdel
 Dệt Zèng A Lưới qua ký họa

Gần một tuần len lỏi nhiều địa danh trong hành trình ký họa nét đẹp văn hóa truyền thống A Lưới, hơn 50 nghệ sĩ ký họa đến từ Nhóm ký họa đô thị Hà Nội và những họa sĩ sinh sống tại Huế, đã có những trải nghiệm vô cùng đáng nhớ với những người dân sống bên dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Từng trải nghiệm ký họa ở nhiều nơi trên cả nước, và thậm chí ngay tại Huế về đề tài văn hóa, di sản, nhưng hành trình đến với A Lưới như một làn gió mới từ khung cảnh cho đến cảm xúc. Ở đó, các nghệ sĩ có những sáng tác hội họa, ký họa trực tiếp các di tích lịch sử văn hóa hào hùng và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của vùng đất phía Tây Thừa Thiên Huế. Ngoài những cánh rừng nguyên sinh, những địa danh khác, từ đời sống cho đến văn hóa bản địa qua nét ký họa của các nghệ sĩ đã trở nên sinh động và huyền ảo.

leftcenterrightdel
 Những nghệ sĩ tham gia chuyến ký họa thực tế ở A Lưới

Không dừng lại, kiến trúc dân gian với nhà cộng đồng như nhà Moong, nhà Rông, nhà Gươl của đồng bào dân tộc thiểu số hay những sắc màu văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể, cuộc sống sinh hoạt và văn hóa ẩm thực và của đồng bào các dân tộc anh em Pa Cô, Tà Ôi, Pa Hy, Cơ Tu… cũng được các nghệ sĩ chọn lọc đưa lên tác phẩm của mình một cách đầy màu sắc, rất riêng.

Các thành viên của Nhóm ký họa đô thị Hà Nội chia sẻ rằng, trước mỗi chuyến đi nhóm luôn háo hức tìm hiểu về vùng đất mình sắp đến. Nhưng khi đến A Lưới họ thật sự bất ngờ, bởi vùng đất có quá nhiều ưu đãi từ mẹ thiên nhiên: khí hậu mát mẻ, có rừng nguyên sinh, những thác nước, con suối nước trong veo, người dân thân thiện, ẩm thực độc đáo, văn hóa bản địa đặc sắc, kiến trúc nhà cộng đồng đa dạng… Nhờ thế, các thành viên nhóm có những trải nghiệm phong phú, cho ra các tác phẩm ký họa thăng hoa, chất lượng.

“Với mình, dấu ấn sâu sắc nhất là văn hóa dệt Zèng vô cùng độc đáo, sản phẩm tinh xảo với hoa văn đẹp mắt thể hiện sự tinh tế, khéo léo, kiên nhẫn, tỉ mẩn của người phụ nữ Tà Ôi”, KTS. Trần Thị Thanh Thủy, Trưởng nhóm ký họa đô thị Hà Nội hào hứng khi chọn ký họa đề tài này.

leftcenterrightdel
 Những ngôi nhà truyền thống ở A Lưới qua nét ký họa của các nghệ sĩ

KTS. Thanh Thủy từng dẫn Nhóm ký họa đô thị Hà Nội đi sáng tác thực tế nhiều nơi trên cả nước, trong đó có nhiều lần dừng chân ở Huế. Nữ nghệ sĩ cho rằng, di sản Huế rất phong phú, đa dạng vật thể và phi vật thể, được quan tâm sớm nên bảo tồn tốt, phát huy gìn giữ được bản sắc. Tuy nhiên, việc giữ gìn di sản kiến trúc cần được quan tâm giáo dục đến người dân hơn nữa, nhất là các vùng xa xôi như A Lưới.

Trong hành trình những ngày sáng tác ở A Lưới, KTS. Thanh Thủy cho hay, có đôi chút tiếc nuối khi thấy còn sót lại rất ít nhà cổ, nhà truyền thống nguyên bản ở A Lưới. Trong xu hướng đô thị hóa hiện nay, những di sản văn hóa này đang dần bị lãng quên hoặc theo thời gian có thể bị phá bỏ, rất cần chính quyền và Nhân dân chung tay quan tâm gìn giữ. “Thông qua chuyến ký họa này, nhóm chúng tôi hy vọng các tác phẩm ký họa và các hoạt động về A Lưới góp phần bảo tồn, quảng bá và tôn vinh giá trị văn hóa di sản Huế nói chung, nét văn hóa, lịch sử truyền thống của mảnh đất và con người A Lưới nói riêng”, KTS. Thanh Thủy tâm sự.

Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế - đơn vị tổ chức hành trình ký họa A Lưới nói rằng, tất cả nét đẹp văn hóa truyền thống này được các nghệ sĩ, họa sĩ đưa vào trong tác phẩm của mình. Tất cả đã góp phần tái hiện nên bức tranh văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc, bảo tàng sống về kiến trúc, về phong tục, tập quán, sinh hoạt hằng ngày của đồng bào huyện A Lưới.

Theo bà Trai, trong xu hướng đô thị hóa hiện nay, những di sản văn hóa này có thể đang dần bị mai một, lãng quên hoặc có thể bị phá bỏ. Vì vậy, chính sự tham gia sáng tác, những tác phẩm ký họa của thành viên tham gia chương trình lần này sẽ góp phần bảo tồn và gìn giữ, quảng bá và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của A Lưới. Được biết, toàn bộ hơn 160 tác phẩm ký họa được các nghệ sĩ sáng tác sẽ được Bảo tàng Mỹ thuật Huế lưu giữ, bảo quản, trưng bày, quảng bá đến với công chúng, du khách trong nước và bạn bè quốc tế.

Nhiều “hạt mầm” quảng bá vẻ đẹp Huế

KTS. Thanh Thủy nói rằng, Nhóm ký họa đô thị Hà Nội rất mong được trở lại Huế. Qua các chuyến đi sáng tác thực tế càng khám phá, càng thêm hiểu, thêm yêu Huế, trân trọng di sản văn hóa, mong Huế phát triển nhưng vẫn giữ được nét đặc sắc riêng.

Tự thân các tình cảm và nhiệt huyết sẽ khiến các họa sĩ muốn chia sẻ, lan tỏa, nhất là khi được trải nghiệm khám phá vùng đất tươi đẹp, giàu giá trị văn hóa như Cố đô Huế hay vùng cao A Lưới. Nhóm ký họa có nhiều lứa tuổi, một phần không nhỏ là lứa thanh niên, học sinh, độ tuổi đang trưởng thành được thấm nhuần các giá trị nét đẹp truyền thống từ sớm sẽ là những “hạt mầm” tốt để quảng bá vẻ đẹp của Huế.


Bài: NHẬT MINH - Ảnh: BTMT