Phương tiện giao thông và khách du lịch cùng tham gia giao thông ở Cửa Ngăn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông |
Tìm ý tưởng
Với lượng phương tiện giao thông, du khách đến Huế tham quan, du lịch ngày càng tăng, đặc biệt đối với khu vực Đại Nội và vùng phụ cận, đã phát sinh ùn tắc, gây mất an toàn, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế và hoạt động du lịch.
Khu vực Cửa Ngăn là lối vào gần nhất cho khách du lịch khi đi bộ từ bến xe Nguyễn Hoàng vào khu vực Đại Nội. Cao điểm mỗi ngày có đến hàng nghìn lượt khách tham quan đi qua đây. Vì mặt đường nhỏ hẹp và không có vỉa hè nên du khách phải đi xuống lòng đường di chuyển qua Cửa Ngăn để vào tham quan Đại Nội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Những lúc cao điểm, khu vực này ách tắc.
Sau khi kiểm tra trật tự đô thị, an toàn giao thông khu vực này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương có kết luận giao Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chủ trì, phối hợp với UBND TP. Huế và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án giải phóng mặt bằng, đầu tư mở rộng tuyến đường cạnh Ngân hàng ACB chi nhánh Huế, kết nối giao thông phục vụ người đi bộ từ bến xe Nguyễn Hoàng đến đường Trần Huy Liệu và cầu vượt sông qua Thượng thành để đi vào Đại Nội. Kết luận cũng lưu ý việc tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc, lấy ý kiến các cơ quan có thẩm quyền và người dân…
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, việc ùn tắc giao thông ở Cửa Ngăn ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, khách du lịch là thực trạng tồn tại nhiều năm nay. Chính quyền địa phương đau đáu, tìm nhiều giải pháp, kể cả nghiên cứu phân luồng giao thông nhưng không khả thi. Bởi, việc phân luồng cũng phải đảm bảo điều kiện thuận tiện giao thông, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Hơn nữa, giải pháp hướng đến phải tính đến dự báo trong tương lai, lượng khách có thể lên tới 5-8 triệu khách. Trước mắt, UBND tỉnh đang tính các giải pháp để giải quyết giao thông khu vực Kinh thành.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với UBND TP. Huế khởi động cuộc thi “Ý tưởng thiết kế cầu đi bộ vượt qua Hộ Thành hào nối Thượng thành” nhằm tìm kiếm ý tưởng, giải pháp giải quyết vấn đề trên. Với vị trí là điểm nối từ trục đường Trần Huy Liệu, vượt qua Hộ Thành hào kết nối Thượng thành, cuộc thi nhằm tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo kiến trúc công cộng (kết nối giao thông phục vụ người đi bộ) trên cơ sở khai thác lợi thế không gian tự nhiên với các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, kết hợp công nghệ hiện đại nhằm tạo nên một cấu trúc mang tính cộng đồng, hài hòa về mặt tổng thể và tạo nên sự kết nối thuận lợi giữa Hoàng thành và khu vực Kinh thành Huế, hướng đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị cốt lõi của không gian văn hóa Cố đô.
Tiêu chí cuộc thi hướng tới là tìm những thiết kế phù hợp với không gian di sản, đảm bảo tuân thủ Luật Di sản văn hóa, đồng thời kiến tạo hình ảnh khác biệt cho đô thị trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nhà thiết kế cần phải tuân thủ các quy định và quy tắc về bảo tồn di sản để đảm bảo công trình không gây ra tác động tiêu cực đến giá trị văn hóa và di sản của địa phương; tôn trọng không gian và kiến trúc cũ trong việc thiết kế công trình mới.
Tại khu vực Cửa Ngăn, khách du lịch phải đi giữa lòng đường xe cộ, mất an toàn giao thông |
Khả thi và phù hợp với Luật Di sản
Liên quan đến cầu đi bộ vượt qua Hộ Thành hào nối Thượng thành, một số ý kiến bày tỏ lo ngại việc xây cầu sẽ tác động đến cảnh quan và tính nguyên trạng của di sản, vi phạm các quy định của UNESCO.
TS. Trần Đình Hằng, Phân Viện trưởng Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế lưu ý, cần tham chiếu hệ giá trị pháp lý và luân lý (công năng vốn có của di tích và dư luận xã hội), đặc biệt là từ các góc độ gia pháp, hương lệ, phép nước và công ước quốc tế để định vị một công việc, một chính sách, ở một không gian đặc hữu, nhạy cảm của Kinh thành Huế trong Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO vinh danh. Cho nên, trước khi tập trung “cứu chữa” Cửa Ngăn bằng cách kiến tạo một “thượng đạo” bên cạnh, thiết nghĩ cần thận trọng khảo sát, chuẩn bị kỹ lưỡng, để phân luồng, giảm tải nhờ các cửa thành khác, tạo thành một hệ thống được điều hòa thông suốt.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nói: “Tôi nghĩ thông tin khiến nhiều người hiểu nhầm. Đây là cuộc thi tìm ý tưởng chứ chưa phải là chủ trương đầu tư. Không nên phản đối chuyện người ta tìm kiếm ý tưởng để giải quyết vấn đề. Khả năng sáng tạo là vô biên, biết đâu sẽ có một ý tưởng vừa phục vụ du khách ngắm cảnh vừa giải quyết vấn đề giao thông”.
Ông Hoa nêu ý tưởng, nếu tôi là người thiết kế, tôi sẽ thiết kế trên không, có những bao lơn để mọi người có thể ngắm cảnh, check-in. Tất nhiên khi làm phải tôn trọng không gian di sản, không thể đụng đến công trình kiến trúc, không phá vỡ không gian văn hóa. Một ý tưởng hay có thể giải quyết được thực trạng hiện nay nếu như nó tạo được cầu đi bộ, đồng thời còn là công trình để du khách có cơ hội nhìn ngắm toàn bộ khu vực Kinh thành, đặc biệt là Đại Nội từ trên không, cảm nhận vẻ đẹp tổng thể của Đại Nội với không gian cân xứng, trập trùng các công trình kiến trúc cung đình.
Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, đặt vấn đề này trong bối cảnh khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, sẽ có quận phía Bắc, nên phải suy nghĩ theo hướng gắn việc phát triển trung tâm đô thị khu vực này với cái lõi của di sản. Cây cầu này là điểm nhấn kết nối với toàn bộ đường đi dạo. Việc đặt ở phía đường Trần Huy Liệu là có lý. Tuy nhiên, con đường này quá nhỏ, cần phải mở rộng, tạo ra một không gian trống để thấy được Kinh thành, đồng thời tạo thành một con đường bao quanh bốn mặt Kinh thành và nó sẽ thúc đẩy đời sống người dân phát triển thông qua các dịch vụ.
Ông Hoàng Việt Trung ghi nhận sự quan tâm của mọi người đối với việc tìm giải pháp giải quyết giao thông ở Cửa Ngăn. Đồng thời thông tin thêm, cuộc thi mới chỉ là tìm ý tưởng đóng góp cho xã hội, trên cơ sở vừa bảo tồn di sản vừa giải quyết ách tắc giao thông. Có thể là cầu đi bộ hay vận thăng, chui dưới đất…, quan trọng là phải có ý tưởng. Phương án được chọn phải khả thi và phù hợp với Luật Di sản mới thực hiện.
“Khi có ý tưởng cụ thể được chọn, mọi người dân đều có thể tham gia đóng góp để tìm ra một giải pháp tối ưu, khả thi. Chúng tôi sẽ tổ chức trưng bày, lấy ý kiến, họp báo, hội thảo… tập hợp tất cả ý kiến đa chiều để đánh giá, phân tích khoa học. Nếu có ý tưởng giải quyết được vấn đề, được đa số đồng thuận thì chúng tôi sẽ báo cáo UBND tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UNESCO… xem xét. Phương án nào nhận được sự đồng thuận cao của xã hội mới làm. Khi làm phải qua nhiều trình tự, thủ tục khác. Trên thế giới, nhiều khu di sản đã có giải pháp bảo tồn thích nghi để phục vụ nhu cầu phát triển mà không ảnh hưởng đến di tích”, ông Trung nói.