Mấy chục năm nay gia đình tôi sống ở khu chung cư Đống Đa (thành phố Huế). Nhà tôi ở là một căn hộ nhỏ trong một ngôi nhà dài mấy chục mét. Cạnh nhà tôi có gia đình một ông giáo đã nghỉ hưu. Ông bà tuổi đã ngoài tám mươi. Do tuổi cao, sức yếu nên ông giáo hầu như suốt ngày chỉ ở quẩn quanh trong nhà. Ông bà có hai người con, một trai, một gái. Họ đều đã có gia đình riêng, nhà cửa riêng.

Hàng ngày, ngày nắng cũng như ngày mưa, chúng tôi đều thấy chị con gái chạy xe từ nhà đến và đưa thức ăn sáng cho cha mẹ, khi thì hộp xôi, khi thì bát bún nóng… Ở lại trò chuyện với cha mẹ vài ba chục phút rồi chị vui vẻ xin phép bậc sinh thành ra về để đi làm việc ở cơ quan. Những ngày được nghỉ vào cuối tuần, chị thường ở lại với cha mẹ lâu hơn và làm đủ việc để cho ông bà được vui như quét nhà, lau nhà, giặt giũ…

Nhiều ngày chị còn đưa hai đứa con nhỏ xuống chơi với ông bà để ông bà được vui. Cháu kể chuyện trường, lớp cho ông bà nghe, ông bà bày cho các cháu làm các đồ chơi bằng giấy trắng, giấy màu. Nhiều lần đi qua cửa nhà ông bà nhìn vào thấy cảnh ấy, bà con trong chung cư ai cũng vui, cũng thích. Nhìn người con gái tận tình chăm sóc cha mẹ, tôi chợt nhớ tới câu ca dao xưa lưu truyền khắp các làng quê:

Trai mà chi, gái mà chi

Miễn là có nghĩa, có nghì thì thôi.

Người Việt Nam, xưa cũng như nay, ở nông thôn cũng như ở thành thị rất coi trọng chữ “hiếu”. Người nào có hiếu, biết kính trọng, chăm sóc ông bà, cha mẹ hết lòng thì được láng giềng, chòm xóm trân trọng, quý mến. Ai bất hiếu với các bậc sinh thành thì bị mọi người khinh ghét, coi thường bất kể người đó giàu sang hay có chức này, tước nọ…

Chứng kiến cảnh người con gái tuổi đã ngoài bốn mươi, dù ra ở riêng đã hàng chục năm rồi vẫn hết lòng thương yêu, tận tình chăm sóc cha mẹ, tôi cũng như bà con trong chung cư ai cũng quý mến cô. Nhiều chàng trai, cô gái tuổi mười chín, đôi mươi đều lấy đó làm bài học cho mình trong việc ứng xử với những người đã sinh ra mình, nuôi dưỡng, dạy dỗ mình lớn khôn…

HUY THẢO