leftcenterrightdel
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới. Ảnh minh hoạ:  Báo Điện tử Chính phủ 

Theo đó, hiệp định RCEP đã giới thiệu những chính sách phù hợp, thuận lợi như cắt giảm thuế quan, quy tắc xuất xứ tích luỹ và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại để tăng cường đầu tư khu vực và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về suy thoái, cũng như sự gia tăng của xu hướng phi toàn cầu hoá.

Bằng cách tích hợp 27 hiệp định thương mại và 44 hiệp định đầu tư được kí kết bởi 15 quốc gia thành viên, RCEP đã tối ưu hoá các hiệp định đầu tư song phương và đa phương, thúc đẩy thương mại khu vực và tạo ra các cơ hội đầu tư mới. Thương mại khu vực đã và đang được thúc đẩy nhờ chi phí giảm đi đáng kể.

Theo ước tính của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, RCEP dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng ròng hàng năm là 519 tỷ USD trong xuất khẩu và 186 tỷ USD thu nhập quốc dân của các thành viên vào năm 2030.

RCEP đã đưa ra một số điều khoản bao gồm khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tự do hoá và thuận lợi hoá thương mại, đồng thời các quốc gia thành viên cũng đã chuẩn bị danh sách để cung cấp nền tảng lớn hơn cho hợp tác kinh doanh.

Năm ngoái, hầu hết các nước thành viên RCEP đều đạt được tăng trưởng nhờ tận dụng tối đa nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tính đến năm 2025, RCEP kỳ vọng có thể giúp các nước thành viên tăng đầu tư ra thị trường nước ngoài thêm 2,6%. RCEP đã tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên tận dụng cơ hội do Trung Quốc tạo ra và chia sẻ lợi tức phát triển từ sự mở cửa trở lại của Trung Quốc. Điều này được minh chứng rõ nhất từ khi dữ liệu của Bộ Thương mại cho thấy, thương mại của Trung Quốc có được với các thành viên RCEP đã tăng 7,5% so với năm 2021 và đạt mức 12,95 nghìn tỷ NDT (1,88 nghìn tỷ USD) vào năm 2022, chiếm khoảng 30,8% tổng ngoại thương của nước này.

Trong khi thương mại 2 chiều của Trung Quốc với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận trong năm 2022 đạt 6,52 nghìn tỷ NDT, tức tăng 15% so với một năm trước đó, chiếm khoảng 50,3% trong thương mại của Trung Quốc đạt được với các thành viên RCEP khác, thương mại giữa Trung Quốc thiết lập với Indonesia, Singapore, Myanmar, Campuchia và Lào tăng hơn 20%. Tương tự, đầu từ trực tiếp phi tài chính của Trung Quốc vào các nước RCEP khác trong năm 2022 đã tăng 18,9% so với 1 năm trước đó.

Ngoài ra, RCEP đã tích hợp các nguồn quỹ, tài nguyên, công nghệ và dịch vụ để tạo ra một chu trình hợp tác kinh tế khu vực, trong khi các nước thành viên của hiệp định đẩy nhanh việc phân bố các yếu tố thị trường để thúc đẩy mở cửa thể chế. RCEP cũng đã đặt ra các quy tắc thống nhất để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tận dụng tốt nhất lợi thế của mình, giảm chi phí thương mại và nâng cao năng suất. Điều này không chỉ giúp mở rộng và ổn định hơn nữa các chuỗi công nghiệp khu vực, mà còn nâng cao lợi thế cạnh tranh, mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của các quốc gia thành viên và giúp tạo ra một vùng đệm mạnh mẽ hơn, trước những rủi ro bên ngoài.

Là hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên có Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là thành viên sáng lập, RCEP là hiệp định thương mại tự do đa phương đầu tiên bao gồm cả khu vực Đông Bắc Á. Hiệp định lớn này đã giảm thuế cho cả 3 nước và tiếp tục mở cửa thị trường cho doanh nghiệp các bên tiếp cận dễ dàng hơn.

Trên thực tế, 3 quốc gia này đã đi đầu trong việc thực hiện các quy tắc mở cửa. Trong khuôn khổ của RCEP, cả 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang hợp tác để mở rộng sản xuất máy móc, phương tiện và thiết bị điện quang. Cùng với đó, các lĩnh vực như nền kinh tế kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo (AI) và bảo hiểm tài chính cũng có tiềm năng hợp tác lớn.

Trong một lợi ích có liên quan, RCEP cũng đã giúp Trung Quốc và ASEAN tăng cường hội nhập kinh tế khu vực.

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều bất ổn, xu hướng phi toàn cầu hoá, chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang gia tăng, với tư cách là một FTA đa phương thực sự, RCEP đã củng cố niềm tin của các quốc gia thành viên vào thương mại tự do, chủ nghĩa đa phương và hợp tác kinh tế khu vực. Hiệp định đã đưa ra những điều luật để giúp các nước ở những giai đoạn phát triển khác nhau có thể hành động cùng nhau và hưởng lợi từ hợp tác. Quả thực, hiệp định RCEP đã để lại một nền tảng vững mạnh để xây dựng một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương với tương lai chung.

Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)