Khí thải từ một nhà máy nhiệt điện ở thành phố Gelsenkirchen, Đức. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Phát biểu của bà Agnes Pannier-Runacher đã được đưa ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng G7 về Khí hậu, Năng lượng và Môi trường. Sự kiện đang được tổ chức tại thành phố Sapporo ở phía bắc Nhật Bản, trong 2 ngày từ ngày 15 - 16/4.
“Lần đầu tiên, G7 nói rằng, chúng ta cần phải đẩy nhanh việc loại bỏ dần tất cả các nhiên liệu hóa thạch chưa suy giảm. G7 cũng cho rằng, không nên có thêm các nhà máy nhiệt điện than mới”, Bộ trưởng Chuyển đổi Năng lượng Pháp nói với các phóng viên.
Theo Hãng Thông tấn Reuters, các Bộ trưởng G7 đã quyết định tán thành mục tiêu nhằm “tăng đáng kể lượng điện do năng lượng tái tạo tạo ra”.
Cũng theo nguồn tin này, các Bộ trưởng G7 có khả năng cũng đang xem xét những mục tiêu về tăng cường công suất điện mặt trời lên ít nhất 1 terawatt, và công suất điện gió ngoài khơi lên mức 150 gigawatt vào năm 2030.
Bà Agnes Pannier-Runacher cho biết, các Bộ trưởng chưa thể đi đến thống nhất về một thời gian cụ thể để loại bỏ than, mặc dù họ đã nhất trí không nên xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới.
Bên cạnh đó, sự kiện tại Sapporo cũng tập trung vào sự cần thiết phải hỗ trợ các quốc gia mới nổi cắt giảm lượng khí thải, bao gồm thông qua việc tài trợ.
“Chúng ta, G7, không chỉ cần cắt giảm lượng khí thải của chính chúng ta, mà còn cần thực hiện những hành động cụ thể nhằm đạt được mức giảm phát thải trên toàn cầu”, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị; đồng thời cho biết thêm, điều này bao gồm các quốc gia ở khu vực Nam bán cầu.
Cũng theo ông Yasutoshi Nishimura, các Bộ trưởng mong muốn thảo luận về cách tài trợ cho việc cắt giảm lượng carbon trong những ngành công nghiệp, chẳng hạn như hóa chất, vận tải và thép.
Ngoài ra, các Bộ trưởng tại Sapporo cũng sẽ thảo luận về tầm quan trọng ngày càng tăng của những khoáng sản quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, và sự cần thiết phải ngăn chặn những rủi ro kinh tế và an ninh do các chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương và tình trạng độc quyền gây ra, trong số những chủ đề khác.
Liên quan đến vấn đề khí thải ở các thị trường mới nổi từ lâu đã trở thành tâm điểm đối với các quốc gia phát triển, ông Alden Meyer, cộng sự cấp cao tại E3G, một tổ chức nghiên cứu về biến đổi khí hậu cho hay, các quốc gia giàu nhất thế giới cần phải làm nhiều hơn nữa để giúp các quốc gia mới nổi cắt giảm carbon.
“G7 và những quốc gia phát triển khác có trách nhiệm cung cấp tài chính, cũng như huy động nguồn tài chính tư nhân, nhằm hỗ trợ quá trình khử carbon ở các quốc gia đang phát triển”, ông Alden Meyer lập luận.
Trong đó, cần có “sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn nhiều” từ các quốc gia G7 trong việc tận dụng những nguồn lực tài chính và công nghệ, để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển cắt giảm khí thải.