leftcenterrightdel
 Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đang là thách thức đối với ngành chăn nuôi. Ảnh: TTXVN

Càng nuôi càng lỗ

Trang trại của anh Lê Ngọc Thọ, ở thôn Hoàng Học, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) đang nuôi 20 con lợn thịt, 10 con lợn con và 2 con lợn nái. Dù đàn lợn thịt đã đến kỳ xuất bán, nhưng do giá bán giảm, nên gia đình anh phải nuôi cầm chừng chờ giá lên.

Tương tự, trang trại của gia đình ông Lê Văn Năm, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên (Hà Nam) nhiều năm nay luôn duy trì 20 con lợn nái và 150 con lợn thịt. Lứa lợn của trang trại vừa xuất chuồng có giá 45.000 đồng/kg, thấp nhất trong hơn 2 năm trở lại đây, trong khi giá thức ăn tăng gần 50% so với năm 2021…

Từ tháng 3/2023, giá lợn hơi dao động trong khoảng 48.000 - 51.000 đồng/kg. Trong đó, tại nhiều địa phương, giá thịt lợn thường xuyên xuống dưới mốc 50.000 đồng/kg. Tính đến ngày 11/4, giá lợn bình quân cả nước là 49.000 đồng/kg. Tại miền Bắc, giá lợn hơi giảm 2.000 đồng, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang về mức 48.000 - 49.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá thành sản xuất lên tới 54.000 - 55.000 đồng/kg. Như vậy, ngay tại “thủ phủ”
chăn nuôi Đồng Nai, cứ mỗi con lợn xuất chuồng hộ chăn nuôi đã lỗ tới gần 1 triệu đồng. Điều này khiến nhiều hộ chăn nuôi phải đóng chuồng trong thời gian tới vì thua lỗ triền miên, càng chăn nuôi càng lỗ. Nhiều người chăn nuôi không có khả năng tái đàn do giá bán ra thấp hơn nhiều so với giá thành.

Nhận thấy thị trường tiêu thụ thịt lợn sẽ ảm đạm trong thời gian dài, nên sau khi bán lứa lợn cuối cùng vào cuối năm 2022, ông Trần Quốc Toản, ở Khoái Châu (Hưng Yên) từ quy mô đàn hàng nghìn con đã chủ động đóng cửa chuồng. Người chăn nuôi đứng trước nhiều khó khăn như giá thức ăn tăng cao, dịch bệnh phức tạp, giá bán xuống thấp.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết: Thời điểm hiện tại, nhiều hộ chăn nuôi đã mất khả năng tái đàn, phải tìm công việc khác để làm. Nếu tình trạng này kéo dài, Đồng Nai sẽ mất danh hiệu “thủ phủ” chăn nuôi trong thời gian tới.

Về vấn đề giá lợn hơi trong nước giảm, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá, do sức sản xuất của người dân kể cả quy mô nông hộ, trang trại và doanh nghiệp đều áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhanh, năng suất và sản lượng tăng cao. Sản lượng thịt hơi các loại trong quý 1/2023 đã tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, gây sức ép lên thị trường, trong khi đó, sức mua của người tiêu dùng giảm xuống.

Hạ giá thành thức ăn chăn nuôi

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, 3 tháng đầu năm nay, ngành nông nghiệp đối mặt với hai khó khăn lớn. Trong đó, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức cao, đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng cao hơn so với năm trước đang trở thành thách thức với mục tiêu phát triển của ngành.

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, khô đậu tương là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất về giá trị trong các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong khi nguyên liệu nhập khẩu chiếm đến 85 - 90% giá thành. Tình trạng giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao đã khiến 45% - 50% trang trại lớn treo chuồng và khoảng 70% - 75% hộ chăn nuôi ngừng tái đàn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chia sẻ: Từ cuối tháng 2/2023, tình hình xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đã tăng lên và dự báo trong quý II/2023 sẽ có bước tăng trưởng nhanh. Giá thức ăn chiếm tới 65% - 70% giá thành trong chăn nuôi. Do đó, trong bối cảnh giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, thì việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu trong nước sẽ là giải pháp giúp hạ giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Bộ đang chỉ đạo quyết liệt việc phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (ngô, khoai, mì...) tại Tây Nguyên, miền núi phía Bắc để từng bước giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. Cục Chăn nuôi đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm thuế để hỗ trợ nông hộ, các doanh nghiệp chăn nuôi, tăng cường kết nối cung cầu, đẩy mạnh sản xuất; xem xét giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương về 0%.

Về lâu dài, cần đánh giá lại tiềm năng, cơ cấu ngành hàng chăn nuôi, quy mô đàn lợn, đàn gia cầm phù hợp với quy hoạch sản xuất, tổ chức sản xuất để từ đó có thể cân đối cung cầu. Cần có sự gắn kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người chăn nuôi để triển khai xây dựng thêm cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nhất là ở các vùng chăn nuôi hàng hóa trọng điểm. Các hợp tác xã, trang trại cần tiếp tục đầu tư công nghệ cao vào sản xuất, ưu tiên đầu tư sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Các địa phương cũng cần xây dựng kế hoạch tái đàn, chăn nuôi theo tín hiệu thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu khiến giá giảm, ảnh hưởng đến nông hộ. Có cơ chế hỗ trợ người chăn nuôi trong việc liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác xã từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; trang bị thêm cho họ kiến thức về sơ chế, chế biến sản phẩm.

Theo TTXVN