Các hòa thượng tham quan triển lãm Kiến trúc Phật giáo Việt Nam-Thống nhất trong đa dạng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) |
"Mái chùa che chở hồn dân tộc/ Nếp sống muôn đời của tổ tông” (Hòa thượng Thích Mãn Giác, đạo hiệu Huyền Không)
Những ngôi chùa không chỉ là biểu hiện cụ thể của kiến trúc Phật giáo mà còn gắn liền với văn hóa dân tộc, là nơi truyền bá đạo đức, phản ánh phong tục, tập quán của người dân qua từng giai đoạn lịch sử.
Trải qua thời gian, diện mạo của những ngôi chùa đang dần đổi thay, trong đó có không ít những công trình đang bị pha trộn nhiều trường phái kiến trúc, không còn mang dáng dấp tư tưởng, triết lý Phật giáo.
Trước thực trạng này, ngày 15/4, Ban Văn hóa Trung ương- Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam-Thống nhất trong đa dạng” để đánh giá những điểm bất cập trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay.
Nguy cơ mất bản sắc dân tộc
Kiến trúc Phật giáo phản ánh tư tưởng, tinh thần, triết lý và văn hoá Phật giáo, qua đó cũng chứa đựng giá trị lịch sử với những thăng trầm. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều ngôi chùa với những nét đẹp kiến trúc truyền thống đang dần bị tác động, mai một bởi sự cải tạo, cơi nới không phù hợp hay những công trình xây mới mặc dù đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tu tập, sinh hoạt tâm linh của xã hội nhưng đôi chỗ còn chưa đảm bảo kế thừa những giá trị, đặc trưng văn hóa truyền thống cũng như tư tưởng, tinh thần Phật giáo.
Theo Hòa thượng, Tiến sỹ Thích Thọ Lạc, Trưởng Ban Văn hóa Trung ương-Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nguyên nhân là do thời gian, chiến tranh và nhất là trong bối cảnh đô thị hóa cũng như nhu cầu sử dụng để đáp ứng số lượng lớn Phật tử, công chúng ngày một cao.
Nêu lên thực trạng hiện nay, Hòa thượng Thích Thọ Lạc cho rằng còn nhiều công trình kiến trúc Phật giáo khi cải tạo, tu bổ mở rộng công năng sử dụng đã gây xung đột với di tích cũ, không phù hợp, hài hòa với tổng thể không gian, cảnh quan chung dẫn đến làm giảm giá trị kiến trúc truyền thống, thậm chí là gây phản cảm, giảm tính tôn nghiêm, linh thiêng của công trình tôn giáo.
“Có công trình xây dựng mới lại được tư duy theo ý thích cá nhân hoặc tiếp thu những yếu tố văn hóa ngoại lai một cách cứng nhắc, sao chép hoặc không ít ngôi tự viện được cải tạo với cách thức lắp ráp bằng khung sắt, mái tôn nên đã tạo nên sự xa vời, lạ lẫm với văn hóa truyền thống, mất bản sắc văn hóa dân tộc, giảm sự ấn tượng, thu hút đối với Phật tử, công chúng quốc tế,” Hòa thượng Thích Thọ Lạc nêu rõ.
Giáo sư Nguyễn Quốc Thông, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đồng tình với quan điểm trên. Ông cho rằng việc cải tạo là xu hướng phổ biến góp phần tạo nên tính đa dạng của kiến trúc chùa hiện đại. Việc bổ sung công trình mới vào tổng thể cũ để đáp ứng nhu cầu Phật sự, nhưng không làm mất đi mà còn góp phần làm tăng thêm giá trị truyền thống của tổng thể kiến trúc chùa cần được phát huy để thúc đẩy sự sáng tạo, làm tăng thêm sự đa dạng của kiến trúc chùa hiện đại.
Tuy nhiên có một số trường hợp can thiệp, cải tạo không hợp lý, đã bộc lộ nguy cơ làm mai một dần đặc trưng truyền thống của ngôi chùa Việt Nam.
“Hiện tượng phổ biến là việc xen cấy, mở rộng không gian sử dụng bằng các công trình tạm nhưng chưa được nghiên cứu kỹ để phù hợp với mặt bằng tổng thể của ngôi chùa. Kết quả là làm mất đi tính thống nhất cũng như giá trị của tổng thể kiến trúc chùa. Những can thiệp này được đánh giá là tiêu cực, cần có giải pháp khắc phục,” Giáo sư Nguyễn Quốc Thông nhận định.
Một số kiến trúc phật giáo |
Số hóa kiến trúc Phật giáo
Đóng góp giải pháp bảo tồn di sản kiến trúc Phật giáo, Thượng tọa Thích Lệ Trí Phó Trưởng Ban Văn hóa trung ương-Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng cần khẩn trương thực hiện để án xây dựng quy chuẩn về kiến trúc, di sản văn hóa Phật giáo.
Thượng tọa Thích Lệ Trí kiến nghị các cấp Giáo hội và cơ quan nhà nước khi cấp phép xây dựng cơ sở kiến trúc Phật giáo phải có ý kiến thẩm duyệt chuyên môn bản thiết kế đảm bảo yếu tố phù hợp kiến trúc văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Cụ thể, đối với kiến trúc bảo tồn và phục hồi, Thượng tọa Thích Lệ Trí cho rằng ban quản lý cơ sở cần lập đề án bản vẽ kiến trúc, bản vẽ kết cấu, mẫu mô hình kiến trúc mô phỏng thu nhỏ để trưng bày, cần đảm bảo công trình cũ là di sản kiến trúc được bảo tồn tốt nhất, việc mở rộng, nâng cấp công trình mới phải phù hợp với không gian kiến trúc chung.
Đối với công trình mới, cần có đề án thiết kế đặc sắc kiến trúc Việt, đa dạng về kiểu dáng phù hợp với từng khu văn hóa bản địa của dân tộc, áp dụng những kỹ thuật mới trong thiết kế vừa đảm bảo không gian văn hóa hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, vừa đảm bảo không gian kiến trúc tâm linh đẹp vừa đáp ứng không gian sinh hoạt linh động và đa chức năng theo nhu cầu sinh hoạt hiện tại và lâu dài.
Ở góc độ chuyên môn, kiến trúc sư Đinh Việt Phương cho rằng cần phải đẩy nhanh quá trình số hóa di sản kiến trúc và nghệ thuật Phật giáo Việt Nam.
Với sự phát triển của công nghệ, hình thức hướng dẫn tham quan, giới thiệu các sưu tập hiện vật trực tuyến hay trưng bày ảo... ngày càng phong phú, đa dạng. Xu hướng chuyển đổi số là tất yếu trong hoạt động bảo tồn, bảo tàng và du lịch.
“Di tích là một tổ hợp bao gồm hiện vật, cảnh quan, kiến trúc, bi ký, thư tịch, lễ hội, hồ sơ di tích, các văn bản pháp luật liên quan đến việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, có thể gọi chung là hệ sinh thái di tích. Do đó, số hoá di tích tức là số hoá toàn bộ hệ sinh thái này,” kiến trúc sư Đinh Việt Phương nêu ý kiến.
Ngoài ra, hệ thống cơ sở dữ liệu số di sản kiến trúc và nghệ thuật Phật giáo còn có tác dụng như một thư viện số, với nguồn dữ liệu mở, sẵn sàng hỗ trợ tăng ni, những người tu tập Phật giáo, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước được tiếp cận đến hệ thống dữ liệu số toàn vẹn và đầy đủ, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, phục dựng, phát huy giá trị.