leftcenterrightdel
Xe ô tô đỗ đúng làn đường quy định (ảnh minh họa). Ảnh: Bảo Phước 

"Chị ơi, nhờ chị cho xe chạy tới một chút nữa cho em bán với, em bán buôn chỉ nhờ được một chút buổi sáng thôi ạ!". Cô gái trên xe lướt ánh mắt kênh kiệu nhìn thoáng chị, rồi buông một câu: "Tôi có đóng thuế chỗ đậu xe rồi, không ai có quyền cấm tôi, nhé!". Chị chỉ biết im lặng, buồn bã nhìn quầy hàng của mình, như thế này còn ai thấy mà vào mua.

Gian hàng của chị ngay đường vào cổng chợ, lại có một cây bàng quanh năm tỏa bóng mát nên đây là chỗ lý tưởng để chị buôn bán. Trời nắng nôi các bà các chị đi chợ, mệt, các bà dừng chân ghé hàng chị kêu trái dừa giải khát. Giữa trưa nắng, vừa uống nước dừa dưới bóng cây, lại vừa tán chuyện với chị bán dừa luôn cởi mở tranh thủ trao đổi vài câu chuyện, cũng là để vơi đi phần nào mệt nhọc.

Vì gần cổng chợ, lại có bóng cây che nên đây cũng là chỗ lý tưởng để những chiếc xe ô tô thích đậu nơi này. Họ có khi là đậu xe để vô chợ, có khi để qua quán cà phê cách đó mươi mét, cũng có khi không muốn chạy vào kiệt vì sợ vất vả khi quay đầu xe ra...

Trong những trường hợp ấy chị ngán nhất là những người đậu xe để đi uống cà phê. Bên bạn bè, họ có thể ngồi nguyên luôn cả buổi sáng, ờ, thì đó là quyền của họ, là chuyện của họ. Nhưng khổ ở đây là mỗi lần như thế y như rằng sáng hôm đó chị sẽ bán ế. Khách đi ngoài đường trừ khách quen, nếu là khách lạ họ sẽ không thấy hàng dừa của chị. Còn nếu thấy thì có khi họ cũng nhác ghé vì được chỗ im mát thì chiếc xe ô tô đã choán hết chỗ rồi.

Không phải lời cô gái đi xe ô tô nói không có lý. Cô nói rất đúng luật, vì cô đã đóng thuế đường bộ nên cô có quyền đậu xe ở chỗ không có biển cấm. Ngày nay đời sống nâng cao nên có thể thấy người sắm xe ô tô rất nhiều vì những tiện ích của nó mang lại. Và song song với điều đó nếu để ý cũng thấy có rất nhiều ngôi nhà, quầy hàng có treo những chiếc bảng nho nhỏ lịch sự ghi dòng chữ: "Xin đừng đỗ xe trước cổng!". Thật là khổ hết sức vì ngay cửa ra vào nhà mình lại có một chiếc xe đậu chắn lối đi. Nhưng khi nhắc nhở có người hiểu thì họ tránh, còn nếu gặp người vô tình họ sẽ nói chuyện bằng luật, thậm chí có khi còn thách thức. Gặp trường hợp như vậy có khi rất nhiều lần xảy ra những xung đột giữa chủ nhà với chủ xe, nhưng thông thường thì chủ nhà đành phải rút lui vì chủ xe cứ chiếu theo luật mà đậu. Mà đã là luật thì phải đành chịu thua thôi.

Có rất nhiều lần chị vì đời sống mưu sinh mà buộc phải mở lời mong chủ xe thông cảm cho. Có khi chị gặp những ánh mắt khinh khỉnh, có khi gặp người tử tế tốt bụng họ liền nhích xe đến hoặc lùi một chút, cũng có khi họ vui vẻ mua cho chị nguyên cả một buồng dừa.

Chị hiểu người Việt Nam mình vốn trọng chữ tình và có truyền thống mở cửa ra là chào nhau. Thế nhưng cũng không hiếm những chuyện như hai nhà ở sát vách nhau, chỉ cần bên này lấn sang bên kia một tí đất vậy là ngày nào cũng đụng độ, kiện tụng, tình làng nghĩa xóm sứt mẻ. Lại có nhà nằm ngay đầu hẻm, xây lấn ra một chút nên con hẻm vốn đã hẹp lại càng thêm hẹp. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là giữa bao nhiêu ngôi nhà thẳng đều tăm tắp lại có một ngôi nhà cố nhoài người ra trông rất hợm hĩnh, khó coi. Chủ nhà thì hí hửng vì nhà ta được rộng, choán lối đi hàng xóm nhưng không ai dám nói gì. Nhưng họ có biết đâu đằng sau là những cái lắc đầu ngao ngán, cả xóm không ai đâm đơn kiện vì họ không muốn xáo xào làm mích lòng nhau, dù sao thì cũng "ra ngõ chạm mặt". Thôi thì... hơn thua gì đâu một chút.

Vâng! Hơn thua gì đâu một chút, lằn ranh giữa cái tình và cái lý thật ra nó không cách nhau bao xa, nếu ta biết khôn khéo dung hòa giữa hai điều ấy thì cuộc sống sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều.

TRANG THÙY