Phóng viên nữ tác nghiệp ở vùng xa. Ảnh: T.Huệ

Vào nghề khoảng vài tháng, tầm cuối 2005, tôi cùng một đồng nghiệp nữ nhận được tin báo từ người dân về một số đối tượng đang khai thác cát sạn trái phép trên thượng nguồn sông Hương, thuộc địa bàn xã Hương Thọ (Hương Trà). Tức tốc phóng xe máy từ TP Huế, chừng nửa tiếng đồng hồ sau là đến nơi.

Lúc này, người dân đã tụ tập khá đông hai bên bờ sông phía xã Thủy Bằng (Hương Thủy) lẫn Hương Thọ (Hương Trà) để phản đối các đối tượng khai thác cát sạn gần bờ gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân nơi đây. Lãnh đạo chính quyền địa phương, lực lượng dân quân tự vệ cũng đã có mặt. Chúng tôi nhanh chóng lấy máy ảnh ghi lại cảnh các đối tượng khai thác cát sạn dùng đá ném lên bờ phía người dân; đồng thời tìm cách xuống thuyền của lực lượng dân quân tự vệ, công an xã Hương Thọ để tiếp cận thuyền khai thác cát sạn.

Một thuyền khác của chính quyền xã Hương Thọ trước đó đã tiếp cận được với thuyền khai thác cát sạn kia để yêu cầu dừng việc khai thác và không được ném đá vào dân. Thế nhưng, các đối tượng khai thác cát sạn quá manh động. Khi lực lượng chức năng của xã Hương Thọ tiếp cận thuyền khai thác cát sạn để thu tay quay máy nổ, hai bên giằng co khá lâu khiến một người trong lực lượng chức năng của xã Hương Thọ bị thương.

Để có bức ảnh ưng ý, phóng viên phải leo lên mái nhà để tác nghiệp

Nhận thấy tình hình càng lúc càng phức tạp, nhất là khi các đối tượng khai thác phát hiện sự có mặt của chúng tôi đã hô to: “Bắt hai đứa nhà báo đó lại, đánh cho nó chết luôn”. Sau đó, các đối tượng điều khiển thuyền khác rượt theo chúng tôi. Tôi và đồng nghiệp lúc này đã được đưa vào bờ để chạy lên phía trên, tránh những trận mưa đá do các đối tượng này ném liên tục.

Đường từ mép sông lên tới bờ quá cao, lại vừa dốc, cây cỏ trơn trượt nên tôi và đồng nghiệp vừa chạy, vừa bò bám bụi rậm hồi lâu mới lên được bờ. Đến nơi, nhìn lại mới thấy cả hai người chỉ còn chân không, giày đã rơi tuột từ lúc nào không hay. Cũng may là máy ảnh và dữ liệu vẫn còn nguyên vẹn.

Lúc sau, nhờ sự ứng cứu kịp thời của công an Hương Trà và lực lượng cảnh sát cơ động 113, các đối tượng khai thác cát sạn đã bị khống chế và đưa về trụ sở xã Hương Thọ làm việc.

Vài hôm sau, chúng tôi có bài đăng trên trang nhất, được đồng nghiệp, bạn đọc khen ngợi và được Ban biên tập trả nhuận bút ở mức kịch trần, khỏi phải nói tâm trạng vui sướng, phấn khởi. Nhưng đến bây giờ tôi vẫn còn ám ảnh bởi ánh mắt của một trong số những đối tượng khai thác cát sạn hôm đó, vừa như trách móc, vừa như oán hờn nhưng cũng như van lơn mong chúng tôi nói hộ với cơ quan chức năng để giảm nhẹ hành vi, hành động quá khích đối với chúng tôi.

Cũng cần nói thêm là ngay hôm đó, chúng tôi cũng được phía công an mời đến hỏi về các hành vi mà các đối tượng khai thác cát sạn đối xử với chúng tôi. Có một điều mà chúng tôi không áy náy là đã khai đúng sự thật và không quên gửi gắm mong muốn xem xét đến thân phận làm thuê, nghèo khó của các đối tượng vừa nêu. Sau đó chúng tôi được biết là các đối tượng chỉ bị xử lý hành chính, làm cam kết, kiểm điểm. Âu cũng là bài học nhớ đời cho họ.

Còn nhiều hiểm nguy nữa mà trong quá trình tác nghiệp, tôi và nhiều đồng nghiệp đã đối mặt. Đó là lần tôi ghi lại cảnh một gia đình kinh doanh cà phê, là một loại hình kinh doanh dịch vụ được UBND tỉnh đưa vào diện hộ kinh doanh để tính giá nước kinh doanh, nhưng hộ này kiên quyết không chấp hành. Khi tôi đưa máy ảnh lên chụp cảnh cô con gái chủ nhà rửa phin cà phê, hai mẹ con nhà này xông vào túm cổ áo tôi và giựt máy ảnh. Người con gái ngay sau khi lấy được máy ảnh của tôi đã chạy ngay sang tiệm sửa điện thoại bên cạnh xóa hết ảnh trong máy. Người mẹ hô hào, buộc tôi đưa thẻ nhà báo. Sau khi tôi xuất trình đầy đủ giấy tờ, họ trả máy ảnh cho tôi nhưng mất hết dữ liệu. Sự việc chỉ dừng lại khi chúng tôi nhờ công an phường đến can thiệp.

Cũng như lần trước, khi công an hỏi có yêu cầu bồi thường gì, kể cả ảnh đã bị xóa, tôi đã từ chối. Bởi tôi đã nhận lời xin lỗi trước đó từ một thành viên khác trong gia đình vừa nêu và thanh thản ra về. Vì ít nhất, tôi cảm thấy mình đã cư xử có văn hóa.

Còn nhiều những khó khăn, hiểm nguy mà chúng tôi phải đối mặt hàng ngày mỗi khi tác nghiệp. Nhưng đã chọn nghề báo, chúng tôi luôn tâm niệm rằng, chỉ có dấn thân mới đem lại những tác phẩm báo chí đích thực, phản ánh chân thực mọi mặt của đời sống. Vì thế, cũng như nhiều đồng nghiệp của mình, chúng tôi luôn trong trạng thái sẵn sàng lao vào điểm nóng.

Bài, ảnh: Tâm Huệ