Tư vấn kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ tại Trung tâm Y tế Phú Vang |
Hạn chế nguy cơ, tăng sự gắn kết
Chị Hồ Thị Hạnh, ở Vinh Hà, Phú Vang vừa sinh con so. Em bé sinh ra được da kề da với mẹ và được bú những giọt sữa mẹ đầu tiên. “Nhờ bệnh viện tư vấn từ khi mang bầu nên em bớt lo lắng. Các cô còn bày cho em cách bồng con, cho bú đúng khớp ngậm… Đến bây giờ em mới hiểu NCBSM mang lại nhiều lợi ích và tạo sự gắn kết, sẻ chia trong gia đình”, chị Hạnh kể.
Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ (SDGCW) cho thấy, tại Việt Nam, cứ 4 trẻ thì có dưới 1 trẻ được bú sữa mẹ trong vòng một giờ đầu sau sinh. Dưới một nửa số trẻ dưới 6 tháng tuổi (45,4%) được bú sữa mẹ hoàn toàn. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nên cho trẻ bú ngay trong vòng một giờ đầu sau sinh giúp trẻ tận dụng hết nguồn sữa non quý giá của mẹ; hạn chế nguy cơ đối với cả mẹ và bé.
Trung tâm Y tế (TTYT) Phú Vang được công nhận Bệnh viện thực hành NCBSM xuất sắc từ năm 2020, là đơn vị đầu tiên thuộc Sở Y tế được công nhận danh hiệu này. BSCKI. Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc TTYT Phú Vang cho biết: "Nhận thấy rõ lợi ích của việc NCBSM nên chúng tôi quyết tâm xây dựng và đạt mục tiêu. Quyết liệt nhất là cấm tiếp thị sữa công thức, nếu vi phạm sẽ có hình thức xử lý nặng. Danh hiệu này tạo uy tín cho TTYT Phú Vang, các bà mẹ ở huyện lân cận cũng chọn nơi đây để sinh con. Kết quả này là một hành trình và nỗ lực lớn của đội ngũ”.
Chị Võ Thị Trang ở xã Phong Hòa, Phong Điền từ miền Nam về nhà sinh con đầu lòng trong tâm thế hồi hộp. Những ngày ở TTYT Phong Điền với chị là những bước thực hành NCBSM đầu đời bài bản có sự hỗ trợ của nhân viên y tế. “Nhờ các y, bác sĩ truyền thông mình mới biết NCBSM có rất nhiều lợi ích. Nhờ đó, người mẹ thực hiện chức năng thiêng liêng và giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình. Mình sẽ kiên trì theo đuổi hành trình này để tăng sự gắn kết giữa mẹ và con”, chị Trang tự tin.
Yêu thương, sẻ chia
“Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc” là đề án do Bộ Y tế phối hợp với Chương trình Alive & Thirive Đông Nam Á thực hiện. Danh hiệu: “Bệnh viện thực hành Nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc” được trao tặng khi cơ sở y tế đạt 3 tiêu chí: Đạt tối thiểu mức 4 của tiêu chí E1.3 về Nuôi con bằng sữa mẹ; Đạt mức yêu cầu của các bảng kiểm về Chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ và Nuôi con bằng sữa mẹ; Đạt mức yêu cầu của việc khảo sát bà mẹ sau sinh… |
Ở nơi bệnh viện đạt danh hiệu này, các y, bác sĩ không chỉ tuân thủ hướng dẫn, quy trình của WHO và Bộ Y tế về NCBSM trong các ca sinh, mà còn hỗ trợ tư vấn từ khi bà mẹ mang thai đến lúc em bé chào đời. Tại hai TTYT Phong Điền và Phú Vang, các nữ hộ sinh đều được tập huấn bài bản, được cấp chứng chỉ NCBSM. TTYT Phú Vang còn có tủ bảo quản sữa mẹ cùng hai máy hút sữa giúp các bà mẹ yên tâm hơn trong việc trữ sữa an toàn ngày đầu sau sinh.
Chị Đặng Thị Thu Sương, cử nhân điều dưỡng phụ sản ở TTYT Phú Vang, người tham gia tích cực giai đoạn đầu cũng rút ra những bài học quý báu trong việc NCBSM cho bản thân suốt 20 tháng. Từ đó, chị cũng chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều bà mẹ từ khi mới sinh cho đến khi đi làm, vẫn duy trì sữa mẹ nuôi con. “Khi đã hiểu rõ và nắm vững kiến thức, NCBSM không còn là một "cuộc chiến vất vả" mà là hành trình mà ở đó có sự yêu thương, sẻ chia và đồng hành của gia đình, cán bộ y tế”, chị Sương nói.
Một nữ công nhân sinh con đầu lòng tại TTYT Phú Vang suốt ba ngày căng thẳng đánh vật để cho con bú, nhưng không thành công. Song hành cùng bà mẹ ấy, cán bộ điều dưỡng Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Phụ sản (CSSKSS-PS) đã giải thích cho gia đình và hỗ trợ tích cực, đến nay em bé đã bú mẹ qua 6 tháng tuổi. Những lúc gặp vấn đề, người mẹ trẻ này đã gọi điện đến điều dưỡng để xin tư vấn. Có trường hợp, các chị về đến tận nhà để giúp đỡ gia đình.
TTYT Phú Vang tiếp nhận 150-200 trường hợp sinh con đến từ Phú Vang, Hương Thủy và Phú Lộc mỗi tháng. Nguyễn Thị Phương Loan, Điều dưỡng trưởng khoa CSSKSS-PS chia sẻ: “Người dân vùng nông thôn chưa hiểu đầy đủ nên thường mua sữa công thức mang theo. Vì vậy, việc tư vấn bắt đầu từ lúc các mẹ mang thai để họ có sự chuẩn bị dần dần theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Việc theo dõi tiếp tục diễn ra tới ngày 42 sau sinh tại nhà”.
TTYT Phong Điền tiếp nhận khoảng 300 ca đến sinh con mỗi năm. Mặc dù con số này không lớn, song đơn vị nỗ lực đáp ứng các tiêu chí đặt ra bởi lợi ích của bà mẹ và trẻ sơ sinh. BSCKI. Trần Thiện Phước, Trưởng khoa CSSKSS-PS TTYT Phong Điền chia sẻ: “Để được công nhận danh hiệu BVTHNCBSM, phải trải qua các đợt kiểm tra, đánh giá, giám sát, phỏng vấn, quan sát hơn 150 nội dung qua 12 bảng kiểm nhằm đánh giá các tiêu chí của cơ quan chuyên môn. Ở đây, tuyệt nhiên không có sự xuất hiện của sữa công thức”.
Sáng kiến BVTHNCBSMXS nhằm thúc đẩy môi trường chăm sóc trẻ thân thiện. Trẻ được bú sữa mẹ trong 6 tháng và kéo dài đến 24 tháng. Việc NCBSM góp phần giảm các tỷ lệ bệnh của trẻ sơ sinh, kiến thức cho bà mẹ cũng được nâng cao.