leftcenterrightdel
 Nhiều cây mai kiểng khu đô thị Phú Mỹ Thượng luôn trong thế xích khóa từ gốc, nhưng vẫn thường bị đối tượng trộm cắp

Chẳng có gì buồn và tức hơn khi sớm mai ngủ dậy, ra vườn thì một hai cây kiểng biến mất chỉ còn lại đế chậu chỏng chơ; hay con chim quý trong lồng "bay" mất... Để chống kẻ trộm, có người cẩn thận đã "khóa" các chậu kiểng bằng những dây xích vào trụ, cột… Thế nhưng đối tượng vẫn nhổ cây hay dùng kềm 'cộng lực' để cắt khóa, xích, lấy đi một cách dễ dàng. Hiện nay, chúng tôi hay bắt gặp nhiều cây kiểng ở các nhà mặt phố hay các khu dân cư có dáng thế đẹp, trồng trong chậu khá bắt mắt với phương pháp xiềng xích gốc. Nhiều người cho rằng, phương pháp này trông phản cảm nhưng vì yêu thích đam mê sinh vật cảnh nên phải "vào thế" như vậy.

Cách đây một tháng tại khu đô thị Phú Mỹ Thượng (Phú Thượng, TP. Huế), anh Lê Hùng sở hữu cây mai kiểng từ quê với giá 10 triệu đồng. Mới nhập vườn chưa đến tuần lễ, cây mai trên đã bị mất. Anh Hùng nói, cây mai giá trị chưa phải là lớn nhưng anh mê cái dáng độc lạ nên o bế người bạn thân từ thời điểm trước Tết Quý Mão, qua tết mới tậu được, tiếc lắm.

Cách đây mấy hôm, ông Nguyễn Minh, đường Kinh Nhơn, KQH Bàu Vá (Thủy Xuân, TP. Huế) đã bị mất một cây mai có tuổi đời hơn 20 năm. Ông Minh kể, hôm ấy 23h, ông vẫn còn ra bắt sâu, tưới nước cho mai, thế mà hôm sau tỉnh dậy cây mai đã bị kẻ trộm lòn vào bứng cây, cái chậu chỏng chơ, đất rơi vãi từng đống từ tường thành nhà ra đường. Mấy ngày qua, tâm trí ông bần thần vì tiếc cây, tiếc công chăm sóc gắn bó với nó qua nhiều năm và được xem như "kỷ vật" vì người bố đã trồng chuyển tặng.

Gần nhà ông Minh, anh Bình cũng bị mất mấy chậu mai và hoa giấy đã ươm tạo hơn 5 năm. Anh Bình đã thốt lên: "Chán quá, nếu như tôi sớm xiềng các gốc nó lại".

Đối diện nhà anh Bình vào thời điểm trước Tết Quý Mão chừng1 tháng, gia đình anh Lê Văn Đức đã bị kẻ gian lấy cắp một cây mai vàng có tuổi đời gần 40 năm, có khách trả giá gần 60 triệu đồng. Anh Đức chia sẻ: "Đối với người có niềm đam mê chơi cây cảnh, khi gặp được một tác phẩm đẹp, họ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn từ vài triệu đến vài chục triệu để được sở hữu. Còn với kẻ trộm, khi trộm được, chúng bán đổ bán tháo với giá chỉ vài trăm ngàn một cây. Song, giá mà đừng ai ham rẻ mà mua, thì bọn này "bó tay".

Chăm bón, vui chơi với cây kiểng, nhất là những cây đã gắn bó với gia đình qua nhiều năm, có người đã xem như "kỷ vật" thì khi mất đi họ đau buồn đến nhường nào. Vậy nên bà con chúng ta khi trót đam mê thì cố ráng lo giữ cây kiểng để nó không rời xa mình.

Huế đang xây dựng một điểm đến của xứ sở mai vàng Việt Nam. Mọi người, mọi nhà đang hưởng ứng tham gia trồng mai. Thế nhưng hiện nay các đối tượng trộm cây kiểng hoạt động mạnh với phương thức ban ngày chia nhau thăm dò, khảo sát một số nhà dân hay công sở trồng cây cảnh có giá trị, sau đó "khoanh vùng" để tối đến thì trộm. Tùy theo tình hình, bọn chúng có từ 1 đến 2 người. Cây kiểng nhẹ nhàng thì chúng dùng xe máy chuyển đi, gặp "kiểng" nặng, thì dùng các loại xe khác để chở.

Để tránh tình trạng mất các loại sinh vật cảnh nói trên, các công sở, trường học, hộ gia đình, các vườn sinh vật cảnh... nên đề cao cảnh giác về tình trạng mất cắp cây cảnh nhằm góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn và góp phần đấu tranh đẩy lùi tội phạm. Đồng thời, đề nghị lực lượng chức năng luôn tuần tra truy bắt, xử lý nghiêm minh. Mặt khác, các cơ sở, nhà vườn, người dân không nên mua cây cảnh có nguồn gốc không rõ ràng...

Bài, ảnh: SONG MINH