leftcenterrightdel
 Trung tâm văn hóa cộng đồng phường Phú Hội làm nơi sử dụng đậu đỗ xe cho du khách tham quan phố đi bộ

Là đô thị trung tâm, đô thị động lực của tỉnh, thời gian qua, TP. Huế có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng và phát huy giá trị văn hóa con người xứ Huế. Trong đó, tập trung đầu tư và phát huy hiệu quả sử dụng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp về xã hội hóa nhằm huy động có hiệu quả nguồn lực hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Đồng thời, thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa các chương trình, loại hình hoạt động tại các trung tâm văn hóa phường, nhà văn hóa khu vực và nhà sinh hoạt cộng đồng tổ dân phố để thu hút sự tham gia của người dân.

Trên cơ sở quy hoạch thiết chế văn hóa tỉnh định hướng đến năm 2030, TP. Huế có nhiều chuyển biến trong việc xây dựng, giữ gìn, bảo tồn và phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa. Tuy nhiên, việc quy hoạch chi tiết về các trung tâm văn hóa phường và nhà văn hóa khu vực để có thể khai thác và sử dụng tốt hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa của người dân là vấn đề cấp bách. Đề án “Phát triển mạng lưới trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn TP. Huế đến năm 2030” góp phần đáp ứng nhu cầu văn hóa của người dân.

Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, mục tiêu của đề án nhằm hoàn thiện hệ thống trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn thành phố. Trong đó, Nhà nước đầu tư một số công trình trọng điểm, còn các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp xây dựng và khai thác hiệu quả các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Đến 2030, mạng lưới trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn thành phố được phát triển đồng bộ, từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của Nhân dân ở các khu vực trong thành phố và đạt các tiêu chí quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo đó, đến năm 2025, TP. Huế phấn đấu có 60% số tổ dân phố/thôn có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng được đầu tư trang, thiết bị và dành tối thiểu 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em. Đối với những địa phương chưa có đủ điều kiện để xây dựng tại mỗi tổ dân phố/thôn một nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng có thể xây dựng theo liên tổ dân phố/thôn (2-3 tổ dân phố/thôn) một nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, 70% số phường, xã có trung tâm văn hóa được đầu tư trang, thiết bị và dành tối thiểu 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em.

Đến năm 2030, 70% số tổ dân phố/thôn có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng được đầu tư trang thiết bị và dành tối thiểu 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em. Đối với những địa phương chưa có đủ điều kiện để xây dựng tại mỗi tổ dân phố/thôn một nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng có thể xây dựng theo liên tổ dân phố/thôn một nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, 80% số phường, xã có trung tâm văn hóa được đầu tư trang, thiết bị và dành tối thiểu 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em; mạng lưới trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn thành phố phát triển đạt 100% các tiêu chí quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Bài, ảnh: Liên Minh