Hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh khối 9 tại Trường THCS Duy Tân |
Chuẩn hóa và hiện đại
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm GD&ĐT đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước giai đoạn 2012 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, GD&ĐT TP. Huế có những bước phát triển và đạt được nhiều kết quả khả quan. Quy mô mạng lưới trường, lớp từng bước hoàn chỉnh; đội ngũ giáo viên ngày càng được chuẩn hóa; chất lượng tay nghề, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp không ngừng nâng cao cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số chỉ tiêu GD chưa đạt theo kế hoạch đề ra.
Đầu tháng 4/2023, TP. Huế tiếp tục triển khai đề án “Phát triển GD&ĐT TP. Huế giai đoạn 2022 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, với mục tiêu xây dựng mạng lưới trường lớp từ cấp học mầm non đến phổ thông phù hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, hội nhập quốc tế đáp ứng nhu cầu học sinh đến trường; phát triển toàn diện học sinh, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý trong việc đáp ứng đổi mới toàn diện GD, xây dựng ngành GD&ĐT thành phố xứng đáng với vị trí tiên phong về chất lượng của tỉnh và khu vực miền Trung.
Theo đó, đến năm 2025 tiếp tục điều chỉnh, rà soát mạng lưới trường, lớp cấp học mầm non, phát triển mạng lưới các trường ngoài công lập với tỷ lệ 28,9%; 62,7% số trường đạt chuẩn quốc gia; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập GD mầm non cho trẻ 4, 5 tuổi... Đối với GD tiểu học, tiếp tục điều chỉnh rà soát mạng lưới trường, lớp cấp tiểu học, phát triển mạng lưới các trường ngoài công lập đến năm 2025 là 3,5%; 82,4% số trường đạt chuẩn quốc gia; 100% học sinh học 2 buổi/ngày; 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn… Riêng GD THCS, thành phố tiếp tục rà soát, điều chỉnh mạng lưới trường lớp, phát triển mạng lưới các trường ngoài công lập 5,1%; 84,2% trường đạt chuẩn quốc gia; thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập GD THCS mức độ 3; 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn, 100% học sinh được giáo dục văn hóa Huế và tiếp cận mô hình trường học hạnh phúc…
Học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm ngoài trường học |
Giai đoạn 2026 - 2030, tỷ lệ trường ngoài công lập cấp mầm non đạt 30%, 85% số trường đạt chuẩn quốc gia; 100% trường triển khai xây dựng trường học hạnh phúc. Đối với GD tiểu học, tỷ lệ trường ngoài công lập đạt 5,4%, 85% số trường đạt chuẩn quốc gia, 70% học sinh được học tiếng Anh tăng cường với người nước ngoài và 100% trường triển khai xây dựng trường học hạnh phúc. Riêng GD THCS, phấn đấu có 2 trường trọng điểm về chất lượng và 6 trường học thông minh; trên 35% cán bộ quản lý và giáo viên đạt trình độ trên chuẩn; 40% học sinh được học tiếng Anh tăng cường với người nước ngoài…
Nhiều giải pháp
Theo Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Võ Lê Nhật, để triển khai thực hiện đề án, thành phố đẩy mạnh xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; xây dựng trường học thông minh, trường học hạnh phúc; đẩy mạnh GD trải nghiệm, văn hóa Huế; tăng cường ngoại ngữ, chuyển đổi số, hướng đến các giá trị cốt lõi nhân văn, bản sắc và hội nhập. Quan tâm đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; đầu tư cơ sở vật chất, trang, thiết bị dạy học cho các cơ sở GD, từng bước hiện đại hóa nhà trường, phấn đấu đến năm 2030 phần lớn các trường phổ thông có đủ điều kiện thiết bị hiện đại cho học sinh học tập và hoạt động cả ngày tại trường. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế quản trị giáo dục của các trường theo hướng phát huy vai trò, trách nhiệm của hội đồng trường; quyền, trách nhiệm của hiệu trưởng một cách thực chất, tránh hình thức.
Nhiệm vụ của thành phố thời gian tới là phát triển mạng lưới trường, lớp đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, trong đó tiếp tục phối hợp với các phòng, ban thành phố, các phường, xã phối hợp rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp; ưu tiên bố trí quỹ đất cho GD, đáp ứng nhu cầu học tập của con em, phát triển có tính kế thừa và ổn định; khuyến khích mở rộng các cơ sở GD ngoài công lập đối với những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển; thực hiện chia tách, sáp nhập, xóa điểm lẻ các cơ sở GD tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố…
Đảm bảo nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học là nhiệm vụ hàng đầu trong giai đoạn 2022 - 2030. Trong đó, tăng cường đầu tư, xây mới cơ sở vật chất để giải quyết tình trạng thiếu phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng…; thay thế phòng học tạm thời, phòng học bán kiên cố đã hết niên hạn sử dụng. Đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị dạy học mới theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy học, bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu theo lộ trình đổi mới chương trình GD phổ thông; đầu tư xây mới, sửa chữa, cải tạo nhà vệ sinh và công trình nước sạch; nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật và thiết bị công nghệ thông tin để triển khai chuyển đổi số cho hệ thống GD và xây dựng trường học thông minh.