leftcenterrightdel
 Chơi game trên điện thoại nhiều là nguyên nhân khiến giới trẻ mất ngủ. Ảnh: AP

Từ nhiều tháng nay, anh Nguyễn Huy Tú (23 tuổi, phường Phước Vĩnh, TP. Huế) luôn trong trạng thái mệt mỏi, lờ đờ. Anh than thở, mỗi đêm chỉ chợp mắt được vài giờ, giấc ngủ chập chờn, không sâu, dễ tỉnh giấc nửa đêm. Sáng dậy, mặc dù rất thèm ngủ nhưng anh không thể "ngủ nướng" nên đau đầu, mệt mỏi khi bắt đầu ngày làm việc mới.

Tương tự, anh Lê Hồng Quân (25 tuổi, phường An Cựu, TP. Huế) bắt đầu “nếm mùi” mất ngủ khi bắt tay vào dự án mới. Những áp lực doanh số, đòi hỏi từ phía khách hàng khiến đầu óc anh luôn “căng” như dây đàn, không yên khi nằm ngủ.

Theo các thống kê, có tới 35% dân số trên toàn thế giới bị chứng rối loạn giấc ngủ. Viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh cho biết, có khoảng 25% người trẻ (tuổi từ 18-30) thường xuyên mất ngủ, ngủ không sâu giấc, chất lượng giấc ngủ không đảm bảo.

ThS.BS. Nguyễn Thị Nguyệt Minh, Trường đại học Y Dược, Đại học Huế nhận định, ở người lớn tuổi, mất ngủ thường bắt nguồn từ quá trình lão hóa. Còn giới trẻ, căn nguyên mất ngủ thường có tính “thời đại” hơn.

Thông thường, ban đêm là thời gian mà giới trẻ “nghiện” giải trí, chơi game, xem phim, tán gẫu với bạn bè thông qua các thiết bị di động. Thói quen này khiến họ "lọ mọ" cả đêm đến khi “quá giấc” rồi trằn trọc khó ngủ, tỉnh giấc giữa đêm, mệt mỏi khi thức dậy, thèm ngủ vào ngày hôm sau, thiếu tỉnh táo, khó tập trung học tập, làm việc… Bên cạnh đó, tuổi trẻ là độ tuổi của sự nghiệp, khát khao chinh phục, họ có trong mình vô vàn căng thẳng, áp lực muốn thể hiện bản thân, ước vọng thành công và vô tình mang cả những stress đó lên giường ngủ.

“Nếu mất ngủ kéo dài, nó sẽ trở thành căn bệnh mãn tính và để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh. Mất ngủ kéo dài gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, nguy cơ nhồi máu cơ tim cao; nguy cơ béo phì, đái tháo đường, thậm chí còn tăng nguy cơ bị ung thư. Ngoài ra, mất ngủ cũng ảnh hưởng xấu đến làn da, mái tóc, giảm thích ứng trong cuộc sống, có thể bị đột quỵ não, có nguy cơ bị đột tử trong đêm...”, ThS. BS. Nguyễn Thị Nguyệt Minh phân tích.

Chưa hết, mất ngủ còn là nguyên nhân khiến bệnh trầm cảm trong giới trẻ đang có chiều hướng tăng nhanh và ngày càng phức tạp. Một đêm mất ngủ khiến tâm trạng trở nên cáu kỉnh vào sáng hôm sau, làm thay đổi chức năng hoạt động của não, đặc biệt là ở những người hay lo âu. Những người không ngủ từ 7-8 tiếng/ngày, thậm chí kể cả không có tiền sử trầm cảm, vẫn có nhiều khả năng mắc chứng trầm cảm nếu giấc ngủ không được bảo đảm.

ThS.BS. Nguyễn Thị Nguyệt Minh cũng khuyến cáo, người trẻ nên giải tỏa bớt những căng thẳng trong cuộc sống, tạo tâm thế thoải mái nhất trước khi lên giường. Trước giờ ngủ, không nên dùng các chất kích thích (như trà, cà phê, rượu, bia) hay ngồi “ôm” máy tính, điện thoại liên tục. Đồng thời, chế độ dinh dưỡng khoa học và vận động thường xuyên cũng góp phần cải thiện giấc ngủ.

Khi có một giấc ngủ đúng “chất” (ngủ liền mạch, sâu giấc) và đủ “lượng” (7-8 tiếng mỗi ngày), nó sẽ là chiếc “chìa khóa vàng” mở lối thành công cho người trẻ: giúp tinh thần đầy sảng khoái, trí não phát huy tối đa tính sáng tạo, xử lý công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn.

ĐĂNG TRÌNH