Tích cực thực hiện các biện pháp phòng dịch tại Bệnh viện. Ảnh: TT |
Phát hiện các ca mắc trong bệnh viện
Tại Bệnh viện Hữu nghị, nơi tiếp nhận chủ yếu bệnh nhân là người cao tuổi, những ngày gần đây đã ghi nhận tăng cao số ca mắc COVID-19. Khâu xét nghiệm sàng lọc tại Bệnh viện đã phát hiện nhiều ca mắc
BS. Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị cho biết: “Đa số các trường hợp mắc đều được phát hiện khi vào viện làm xét nghiệm mà trước đó không biết mình bị COVID-19. Khoa Cấp cứu là khoa “cửa ngõ” của Bệnh viện nên việc xét nghiệm sàng lọc nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch. Trong thời điểm dịch có xu hướng tăng trở lại, tất cả các bệnh nhân nhập viện đều được xét nghiệm nhanh; công tác này không chỉ giúp ngăn ngừa nguồn lây từ bên ngoài vào bệnh viện, mà còn để có phương án điều trị cho người bệnh tốt hơn”.
Về việc điều trị các ca mắc COVID-19 tại Bệnh viện, BS. Nguyễn Đặng Khiêm cũng cho biết: Do bệnh nhân tại đây đa số là người cao tuổi nên có tới 60-70% các ca phát hiện mắc COVID-19 phải ở lại viện theo dõi và điều trị. Các trường hợp còn lại sẽ được đánh giá ban đầu, nếu tất cả các triệu chứng của người bệnh ổn định, bác sĩ có thể tư vấn và hướng dẫn bệnh nhân điều trị tại nhà, hướng dẫn điều trị qua đường dây nóng. Bệnh viện cũng cung cấp số điện thoại hotline để bệnh nhân có thể liên hệ khi cần.
Tại Bệnh viện K, tình hình dịch COVID-19 đang gia tăng, bệnh viện cũng tăng cường khuyến cáo tới người bệnh về các biện pháp phòng dịch khi tới cơ sở y tế để thực hiện.
Bệnh viện tăng cường khuyến cáo cán bộ y tế, người bệnh và người nhà người bệnh chủ động giữ gìn, bảo vệ sức khoẻ, phòng ngừa dịch bệnh nhưng cũng cần nắm bắt thông tin chính xác do Bộ Y tế cung cấp, thực hiện các phương án phòng chống dịch bệnh và áp dụng đúng cách, hiệu quả, tránh hoang mang, lo lắng.
Cụ thể, người bệnh và người nhà chủ động chuẩn bị, đeo khẩu trang và sát khuẩn tay theo hướng dẫn đã được Bệnh viện bố trí tại các điểm vệ sinh. Khi đến khám và điều trị tại Bệnh viện K, Bệnh viện hạn chế tối thiểu số lượng người nhà đi cùng (khuyến cáo chỉ 1- 2 người nhà). Bệnh viện khuyến khích người bệnh đăng ký khám trước qua ứng dụng "Bệnh viện K" trên điện thoại để tránh tập trung quá đông người.
Bệnh viện cũng đề nghị người bệnh phối hợp cung cấp thông tin ngay đến cán bộ y tế về tình hình sức khoẻ, như các triệu chứng hô hấp, ho, sốt…; hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng hô hấp, tránh tập trung chỗ đông người, thực hiện các xét nghiệm theo đúng giờ hẹn trên phiếu.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, là tuyến đầu chống dịch của Hà Nội, những ngày gần đây, Bệnh viện cũng liên tục tiếp nhận và điều trị các ca mắc COVID-19.
Để đáp ứng công tác chăm sóc và điều trị khi số lượng bệnh nhân COVID-19 gia tăng, Bệnh viện đã dự trù cơ số thuốc, trang thiết bị y tế. Đặc biệt công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 luôn được Bệnh viện duy trì và sẵn sàng đáp ứng với mọi tình huống.
Hiện Bệnh viện vẫn bố trí phòng khám, xét nghiệm sàng lọc và điều trị riêng bệnh nhân COVID-19 tại Khoa truyền nhiễm.
Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường cho biết: “Bệnh viện luôn sẵn sàng chuẩn bị cơ số giường nhất định cho điều trị bệnh nhân COVID-19 và thuốc men như: Thuốc giãn cơ, thuốc chống đông… Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị như: Máy thở, máy lọc máu… đáp ứng trường hợp nếu xảy ra tình trạng có nhiều bệnh nhân mắc COVID-19, Bệnh viện cùng các nhân viên y tế sẵn sàng vào cuộc phòng chống dịch bệnh, chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân”.
Chủ động, không chủ quan
Nhận định về các ca bệnh trong đợt dịch này, BS. Nguyễn Đặng Khiêm cho biết: Các ca mắc được ghi nhận tại Bệnh viện chủ yếu có các triệu chứng như: Đau mỏi người, đau đầu, sốt, ho… một số bệnh nhân có triệu chứng khó thở. Đa phần, bệnh nhân có triệu chứng 1- 2 ngày tại nhà mới vào viện, do vậy, virus có thể đã lây lan sang người xung quanh.
“Việc phát hiện các ca nhiễm mới tại cộng đồng là dấu hiệu cảnh báo có thể sẽ bùng phát một đợt dịch mới. Tuy người dân đã có miễn dịch từ vaccine và các lần mắc bệnh trước đó nhưng trước diễn biến dịch lần này, các đối tượng bị suy giảm miễn dịch, người già yếu và có nhiều bệnh nền cần được quan tâm”, BS Khiêm khuyến cáo.
Để đảm bảo an toàn cho các cơ sở y tế, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, đặc biệt tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao như: Phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi; bệnh nhân trong các khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật… Đồng thời các cơ sở y tế cũng tăng cường công tác vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh bệnh phòng, bố trí sắp xếp khoa phòng thuận tiện, phù hợp tình hình dịch.
Đối với các ca bệnh nặng, ca bệnh nghi ngờ COVID-19 nằm tại các Bệnh viện, khi kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính nhưng vẫn nghi ngờ COVID-19, cần khuyến cáo thực hiện xét nghiệm PCR để chẩn đoán mắc COVID-19, tránh bỏ sót ca bệnh để dịch bệnh lan rộng.