Trung Quốc cấm biên hay mở cửa không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh |
Quý I/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của Thừa Thiên Huế chỉ đạt khoảng 240,4 triệu USD, giảm 18,74% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực DN 100% vốn trong nước ước đạt 172,18 triệu USD, giảm 6,93%; khu vực DN vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 68,18 triệu USD, giảm 33,79%.
Theo Sở Công thương, dù trong tháng 3, DN trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu hàng hóa đến 34 quốc gia và vùng lãnh thổ, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN, các nước châu Âu…, nhưng trừ hàng may mặc ước đạt 146,98 triệu USD, tăng 35,98% so cùng kỳ, KNXK các nhóm hàng nông, thủy sản; công nghiệp chế biến; thủ công mỹ nghệ; gỗ và sản phẩm gỗ… vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.
Tương tự, hoạt động nhập khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh xem ra còn đang "e dè" khi tổng kim ngạch nhập khẩu (KNNK) của quý I/2023 ước đạt 123,57 triệu USD, giảm 38,45% so với cùng kỳ năm 2022. Theo Sở Công thương, hiện nhóm hàng cần nhập khẩu có kim ngạch ước đạt 80,56 triệu USD, giảm 47,16% so với cùng kỳ; trong đó, KNNK nguyên phụ liệu dệt may ước 67,08 triệu USD, giảm đến 54,12%.
Ông Nguyễn Văn Phong – Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Huế cho hay, từ những năm trước, việc xác định Mỹ là thị trường xuất khẩu chính hàng may mặc, cùng định hướng giảm dần phụ thuộc nguồn cung từ Trung Quốc, nên trong thời điểm COVID-19 bùng phát và đến khi Trung Quốc mở cửa trở lại, lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc của Công ty CP Dệt may Huế không biến động nhiều, thậm chí giảm. Cụ thể, KNNK từ Trung Quốc quý I/2022 là hơn 2,403 triệu USD, quý I/2023 giảm còn hơn 2,218 triệu USD.
Về mặt hàng sợi, tuy hiện tại sản lượng có thấp hơn đôi chút so với thời điểm bình thường (thời điểm bình thường, 1 tháng xuất khẩu trung bình khoảng 9 ngàn tấn), nhưng một mặt nguyên phụ liệu chủ yếu nhập trong nước, mặt khác, thị trường xuất khẩu chính của công ty là các nước châu Âu như Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… nên việc Trung Quốc cấm biên hay mở cửa cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Khoảng từ quý III/2022 đến nay, tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, giá xăng dầu, nguyên vật liệu theo thang... dẫn đến các thị trường tiêu thụ chính của dệt may Việt Nam như EU, Mỹ, Trung Quốc… giảm mạnh. Tuy nhiên, với Công ty CP Dệt may Huế, nhờ những dự báo cùng các giải pháp từ cuối năm 2022 đã giúp doanh thu quý I/2023 xấp xỉ cùng kỳ, đạt kế hoạch đề ra.
Theo ông Nguyễn Văn Phong, hiện vẫn chưa có dự báo tin cậy nào về thời gian thị trường sẽ ấm lên. Và với tình hình hiện nay, quý II/2023 sẽ có những khó khăn hơn quý I khi nhu cầu thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi, tồn kho của các nhà bán lẻ hàng may mặc vẫn ở mức cao… Dẫu vậy, Công ty CP Dệt may Huế vẫn đề ra mục tiêu đảm bảo công việc và thu nhập cho người lao động là ưu tiên số 1 trong giai đoạn này.
"Công ty sẽ tiếp tục đưa ra những giải pháp mới về mở rộng thị trường, khách hàng để đáp ứng đơn hàng cho sản xuất, cũng như cách tổ chức sản xuất tối ưu khi nhu cầu thị trường giảm, quy mô đơn hàng nhỏ lẻ, phức tạp, đồng thời, thực hiện các giải pháp đảm bảo dòng tiền duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoàn thiện quy trình sản xuất, quy trình quản lý chất lượng để duy trì vị trí trong chuỗi cung ứng của các đối tác lớn; tiếp tục đổi mới công nghệ, tự động hóa, quản trị số hóa, đầu tư sản xuất theo nhu cầu và đòi hỏi từ các nhà nhập khẩu lớn tại Mỹ, EU...", ông Phong cho hay.