Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ dị dạng mạch máu não (ảnh minh họa). Ảnh: Bảo Phước |
Dị dạng mạch máu não là sự bất thường của các mạch máu. Tùy từng vị trí mà sự bất thường này sẽ gây ra những tổn hại khác nhau. Nguy hiểm nhất là bệnh có thể dẫn tới tàn phế, thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Dị dạng mạch máu não có nhiều loại, gồm: dị dạng động tĩnh mạch não, dị dạng mạch máu thể hang, u tĩnh mạch, giãn mao mạch và phình động mạch não.
Không ít người bệnh không có triệu chứng biểu hiện của dị dạng mạch máu não, mà chỉ được phát hiện qua khám sức khỏe định kỳ hoặc điều trị một bệnh lý khác. Tuy nhiên, một số biểu hiện có thể xuất hiện từ 10 – 40 tuổi. Biểu hiện của bệnh là chóng mặt, đau đầu, thường là đau đầu mạn tính điều trị nội khoa không khỏi; co giật, tê, ngứa ran ở một phần hoặc một bên cơ thể; yếu cơ, liệt cơ; khó khăn khi thực hiện những động tác phức tạp...
Nếu bệnh diễn biến nặng ở giai đoạn vỡ mạch máu não dẫn tới đột quỵ sẽ có các triệu chứng: Đau đầu dữ dội, buồn nôn hoặc nôn, huyết áp tăng cao, giảm thị lực, liệt nửa người; nói khó, lơ mơ, hôn mê... Ngay khi phát hiện thấy các triệu chứng kể trên, người bệnh cần tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Đặc biệt, vỡ mạch máu não là trường hợp khẩn cấp cần được cấp cứu kịp thời. Nguy cơ tử vong do xuất huyết não lần đầu là 10%, lần thứ 2 là 13% và lần thứ 3 là 20%.
Hầu hết các trường hợp bị bệnh đều xuất hiện trong quá trình phát triển của thai nhi. Trường hợp này được gọi là dị dạng mạch máu não bẩm sinh. Bên cạnh đó, một số trường hợp bệnh tự xuất hiện trong quá trình phát triển của cơ thể hoặc di truyền. Sự hình thành của những mạch máu mới từ những mạch máu sẵn cũng rất có khả năng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng mạch máu bị dị dạng. Tuy nhiên, đôi khi không thể xác định được rõ ràng nguyên nhân gây bệnh.
Để chẩn đoán xác định bệnh, người bệnh có thể chụp mạch máu não (DSA) để xác định vị trí và kích thước của dị dạng. Đây được coi là xét nghiệm chính xác nhất. Hoặc chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) để nhìn thấy một dị dạng mạch máu não, hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI)...
Dị dạng mạch máu não không có khả năng phòng, tránh đối với các trường hợp bẩm sinh. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể chủ động phòng, ngừa các nguy cơ và biến chứng của bệnh bằng cách: Sinh hoạt khoa học, cân đối giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi; giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, lo âu kéo dài; tập thể dục thể thao đều đặn; có chế độ dinh dưỡng hợp lý, kiểm soát cân nặng, không uống rượu bia, không hút thuốc lá; tích cực điều trị các bệnh ảnh hưởng tới sự trầm trọng của bệnh dị dạng mạch máu não (như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…) và khám sức khỏe định kỳ.
Dị dạng mạch máu não là một căn bệnh nguy hiểm. Khi phát hiện các triệu chứng, bạn nên đi khám ngay khi có bất kỳ triệu chứng nào để được chẩn đoán và điều trị. Bên cạnh đó, việc duy trì lối sống lành mạnh sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ và biến chứng của bệnh.