Du khách tham quan di sản Huế. Ảnh: Đức Quang |
Đây là số liệu thống kê từ Sở Du lịch: 3 tháng đầu năm 2023 Huế đón 633.000 lượt khách, nhưng các cơ sở lưu trú đón chỉ 379.000 lượt. Không biết con số thống kê nêu trên chính xác đến mức độ nào, nếu là con số chính xác thì điều đó cũng đồng nghĩa một lượng khách còn lại - hơn 250.000 lượt, không ở lại Huế. Nghĩa là Huế mất đi một khoản tiền thu được từ lưu trú. Cứ giả sử một ngày lưu trú ở Huế với giá vài trăm ngàn đồng, chúng ta cũng cũng thất thu một khoản đáng kể.
Nói rằng, sự lựa chọn là tùy du khách, chúng ta làm sao quyết định được là một cách biện giải dễ nhất, và có vẻ cũng “phi hoạt động” kinh tế nhất. Câu hỏi cần có câu trả lời để du lịch Huế kiếm thêm được tiền, là tại sao lại có tình trạng này?
Nếu du khách là người ở xa, ví dụ như từ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, hoặc cả du khách nước ngoài, nếu chọn Huế là một điểm đến trong chuyến du lịch của họ thì sẽ có rất ít lý do gì để họ vội vàng rời Huế. Dù sao họ cũng đã tốn chi phí giao thông (tiền mua vé may bay, vé tàu, đi ô tô). Họ sẽ đắn đo giữa các khoản tiền đã bỏ ra với những gì thu được từ một điểm đến du lịch. Chính vì vậy mà nhóm khách này không, hoặc rất ít khi vội vàng rời Huế. Tức là chúng ta kiếm được tiền lưu trú từ nhóm khách này. Mà không chỉ tiền lưu trú, một khi họ đã ở lại thì họ phải chi tiêu, chúng ta sẽ thu được tiền vé tham quan, tiền từ các dịch vụ ăn uống, vui chơi, đi lại… Cho nên, làm sao để khách chọn đến Huế, lưu lại Huế dù chỉ một ngày (càng lâu thì càng tốt) mới là chuyện đáng lưu tâm. Nó là khởi đầu cho những nguồn thu tiếp theo.
Với nhóm khách vội đi này, chúng ta nên hiểu như thế nào?
Đó là những người đi ngang Huế, ghé thăm một vài điểm du lịch của Huế rồi đi. Họ gói gọn thời gian chỉ ban ngày. Nếu họ thật sự là khách đi du lịch, Huế không là điểm chọn để lưu lại, nghĩa là chúng ta không được lợi thì sẽ có một địa phương nào đó cạnh ta được lợi, rất có thể là những điểm du lịch cũng nổi tiếng gần Huế là Đà Nẵng và Hội An!
Trước đây, chúng ta thường nghe câu chuyện, khách du lịch bằng tàu biển cập cảng ở Chân Mây, một phần trong số đó là được xe biển số 43 đón vào Đà Nẵng. Cũng là khách du lịch chúng ta đón, nhưng không được hưởng phần nào về dịch vụ lưu trú. Cũng có nghĩa là mất hẳn khoản tiền mà khách chi tiêu cho các loại dịch vụ khác!
Cũng có thể là nhóm khách thuộc dạng khác. Đến du lịch ở một địa phương nào đó, lưu trú ở đó, chọn Huế đi chơi một ngày rồi trở về lại địa phương ban đầu. Hoặc ghé Huế chơi một ngày rồi rời khỏi Huế từ chuyến bay đêm, tàu đêm, chẳng hạn.
Theo số liệu từ Sở Du lịch, dự kiến trong năm nay, doanh thu từ một khách du lịch đến Huế vào tầm khoảng 2 triệu đồng. So với cách đây 5-7 năm thì con số tuyệt đối thấy cao hơn nhiều. Tuy nhiên, nếu tính về giá trị khi loại từ các yếu tố trượt giá, mức chi tiêu ngày càng tăng của khách du lịch thì con số này chưa hẳn là cao. Chúng ta tìm cách nào để giữ được khách, dù chỉ một ngày thì con số chi tiêu nói trên của khách sẽ được tăng thêm, tức là Huế được lợi nhiều hơn. Không có gì hấp dẫn đối với du khách hơn là tạo ra những sản phẩm du lịch có sức hút, độc đáo.