leftcenterrightdel
Các đơn vị xuất bản, phát hành chuẩn bị trưng bày sách trước giờ khai mạc 

Sự kiện do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam, UBND tỉnh tổ chức với rất nhiều hoạt động, hình thức đa dạng và phong phú.

Trong khuôn khổ lễ khai mạc, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ công bố chương trình truyền thông khuyến đọc trên cơ sở hợp tác giữa các đơn vị chức năng của bộ với 8 cơ quan báo chí. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông tặng 3.000 cuốn sách cho huyện A Lưới nhằm khuyến khích và thúc đẩy văn hóa đọc tại địa phương.

Kéo dài đến hết ngày 25/4, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 có rất nhiều hoạt động quan trọng khác. Đáng chú ý như triển lãm, giới thiệu đến bạn đọc và du khách nhiều cuốn sách có giá trị viết về văn hóa Huế thuộc “Tủ sách Huế”; những thư tịch, tư liệu quan trọng được lưu giữ tại Huế qua nhiều thời kỳ cùng các ấn phẩm độc đáo về Huế. Đặc biệt, có 11 cuốn sách cổ do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lưu giữ sẽ được ra mắt công chúng.

Theo Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), điểm nhấn của ngày hội là hội chợ sách được tổ chức và thực hiện mang đậm nét văn hóa đặc trưng cổ truyền xứ Huế. Hội chợ sách có 16 khu trưng bày, giới thiệu sách với sự tham gia của hơn 30 đơn vị xuất bản, phát hành trong cả nước cùng nhiều đơn vị xuất bản, văn hóa, truyền thông trên địa bàn tỉnh.

Ngoài hội chợ sách, các đơn vị tham gia sẽ triển khai rất nhiều hoạt động liên quan. Trong đó có thể kể đến như tọa đàm “Chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản và nền tảng hỗ trợ xuất bản, phát hành”; giới thiệu tác giả, tác phẩm của Huế và viết về Huế; giới thiệu sách mới, giao lưu tác giả, nhà nghiên cứu với độc giả; tọa đàm về các chủ đề lịch sử, văn hóa, xã hội và xu hướng phát triển ngành xuất bản cùng các chương trình văn nghệ đặc sắc giới thiệu di sản văn hóa cung đình Huế. Cũng trong dịp này, đại diện các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành cũng sẽ gặp mặt lãnh đạo tỉnh để trao đổi hợp tác phát triển “Tủ sách Huế”.

NXB Trẻ (TP. Hồ Chí Minh) đến với Ngày Sách và Văn hóa đọc sẽ trưng bày Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với khoảng 50 tựa sách về Bác Hồ và bản đồ Hành trình theo chân Bác, kèm ebook và hình ảnh, video… Đồng thời, trao tặng Trường THPT Quốc Học Huế một bộ sách Di sản Hồ Chí Minh gồm 50 tựa sách và 1 bản đồ Hành trình theo chân Bác. Bộ sách Di sản Hồ Chí Minh là bộ sách công phu, được NXB Trẻ kiên trì thực hiện trong hơn 20 năm qua, với hơn 50 tựa sách, có những tựa sách mới xuất bản đều đặn, nhiều tựa sách được tái bản nhiều lần.

 ● Tủ sách Huế với hơn 200 đầu sách về văn hóa, lịch sử, địa chí Thừa Thiên Huế và nhiều sách hay viết về Huế vừa được ra mắt tại Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế và sẽ được phát triển về quy mô số lượng. Hoạt động này nằm trong ngày hội đọc sách năm 2023, diễn ra vào sáng 20/4 nhằm hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

● Ngày 20/4, Trường THCS Phú An (Phú Vang) tổ chức lễ khánh thành Thư viện thân thiện, do tổ chức ZHI SHAN FOUNDATION và Quỹ Chí Thiện vì trẻ em tài trợ. Dịp này, tổ chức ZHI SHAN FOUNDATION và Quỹ Chí Thiện cũng tài trợ Thư viện thân thiện cho Trường tiểu học Phú Hải và tài trợ 107 tủ sách lớp học cho 10 trường học trên địa bàn huyện

● Cùng ngày, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp Trường THCS Thuận An (TP. Huế) tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023, kết hợp tuyên truyền về chủ quyền biên giới, biển, đảo cho gần 500 học sinh. Dịp này, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An cũng đã phối hợp với Hải đội 2, Trường tiểu học Phú Tân tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 kết hợp tuyên truyền nâng cao kiến thức về biên giới, biển, đảo cho học sinh.


Bài, ảnh: NHẬT MINH