Nhận diện, định hình mục tiêu từng tuyến phố
Mở đầu hội thảo, TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN khẳng định, việc tạo lập, quản lý và xây dựng thương hiệu cho các tuyến phố đi bộ TP. Huế nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống đối với Cố đô Huế, xây dựng thương hiệu cho các tuyến phố đi bộ TP. Huế để Nhân dân và du khách thư giãn, thưởng thức các loại hình văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực của vùng đất cố đô.
Có 3 lý do khiến phố đi bộ trở nên phát triển mạnh mẽ những năm gần đây: Sự bùng nổ đô thị khiến người dân có nhu cầu đi bộ thư giãn; nhu cầu phát triển thương mại – du lịch và phát huy các yếu tố đặc trưng của địa phương. Việc hình thành những tuyến phố đi bộ của TP. Huế: Chu Văn An- Phạm Ngũ Lão- Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, phố đi bộ dọc hai bờ sông Hương, phố đêm Hoàng Thành cũng dựa trên các lý do trên.
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế TP. Huế, qua khảo sát ý kiến du khách, có 80% mong muốn hình thành tuyến phố đi bộ. Trong số đó có nhu cầu được xem các giá trị truyền thống mang văn hóa bản sắc riêng; nhu cầu khi đến phố đi bộ để ăn uống, mua sắm, tham quan, vui chơi giải trí.
Phố đi bộ Hai Bà Trưng vừa đưa vào khai thác thu hút đông người dân, du khách những tối cuối tuần |
Mỗi tuyến phố đi bộ ở TP. Huế đều có định hướng, chức năng và chủ đề khá rõ. Phố đi bộ Chu Văn An- Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu và phố đi bộ Hai Bà Trưng là các tuyến phố đi bộ kết hợp giữa ẩm thực, thương mại và văn nghệ đường phố hoạt động khá hiệu quả, thu hút giới trẻ và khách du lịch đến thưởng ngoạn. Trong khi đó, phố đi bộ Hoàng Thành khai thác thế mạnh về cảnh quan, văn hóa đời sống người dân, di tích và Đại Nội về đêm kết hợp ẩm thực và mua sắm quà lưu niệm với đối tượng hướng đến là khách du lịch, nhằm tạo ra sản phẩm, điểm đến du lịch về đêm khu vực Hoàng Thành. Tuyến phố đi bộ dọc hai bờ sông Hương được quy hoạch, đầu tư khá bài bản, đẹp và hấp dẫn, với định hướng tập trung phục vụ du khách và người dân về thưởng ngoạn, thể dục với hai công năng: đi bộ và đạp xe.
Đường đi bộ dọc hai bờ sông Hương là nơi lý tưởng để người dân, du khách thoải mái thư giãn, ngắm cảnh, thể dục |
Chuyên gia Dương Thành Long cho rằng, việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các tuyến phố đi bộ của TP. Huế chính là hướng tới mục tiêu hình thành cảm nhận, liên tưởng của du khách về những nét đặc trưng, thu hút, chất lượng, môi trường, uy tín của một mô hình phố đi bộ. Để từ đó vừa phục vụ sinh hoạt, sinh kế cho người dân, vừa thu hút du khách, tạo ra điểm khác biệt của địa phương, đồng thời là cách thức bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên du lịch địa phương hợp lý.
Cần cách tiếp cận mới, sản phẩm mới
Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Xuân Hoa nhìn nhận, trong lúc các tuyến phố đêm ở Phạm Ngũ Lão, Hai Bà Trưng khá nhộn nhịp thì phố đêm Hoàng Thành lại thưa vắng, thiếu sức hấp dẫn du khách. Điều này cho thấy giá trị của văn hóa cung đình Huế chưa được khai thác hữu hiệu để thúc đẩy dịch vụ du lịch ở Huế phát triển trong khi Huế có một hệ thống di tích có giá trị nổi bật toàn cầu, một nền mỹ thuật cung đình độc đáo, một hệ thống diễn xướng cung đình gắn kết với dân gian, một kho tàng di sản sinh hoạt vật chất và tinh thần của xứ kinh kỳ, kho tàng tri thức khoa học truyền thống...
Đề xuất làm sao để nâng cao hiệu quả của phố đêm Hoàng Thành, ông Nguyễn Xuân Hoa cho rằng cần xây dựng Huế là thành phố di sản Xanh - Sạch - Sáng. Sớm triển khai mở cửa Đại Nội theo hình thức có giới hạn, không thu vé về đêm, biến Ngọ Môn và một phần Đại Nội, một phần Thượng Thành phía Nam thành lực hút, hấp dẫn du khách đến với phố đêm. Trong buổi đầu, chính quyền nên đảm nhận vai trò bệ đỡ, thậm chí là "bà đỡ" để tạo những điểm nhấn truyền thống ở phố đêm Hoàng Thành. Khuyến khích người dân cùng tham gia tổ chức phát triển phố đêm, cùng được hưởng lợi từ sự phát triển của phố đêm Hoàng Thành.
Chia sẻ, trao đổi tại hội thảo, UVBTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế- ông Phan Thiên Định đồng ý với quan điểm, gợi ý của Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa. Để đề ra phương thức quản lý, khai thác hợp lý, hiệu quả phố đi bộ, nhiều ngành, đơn vị, chính quyền địa phương cần cùng nhau ngồi lại vạch ra định hướng hoạt động, đề án, thương hiệu; trong đó đặc biệt cần có sự đồng thuận cao, tham gia của người dân và cần có chính sách kích cầu, dịch vụ để lôi kéo các dòng du khách đến với phố đêm.
Nói về cách tiếp cận, TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế cho rằng, TP. Huế cần bổ sung cách tiếp cận ngược từ dưới lên, tức đi từ người dân sở tại, những hộ dân sinh sống tại đó và xem họ là chủ thể chính trong việc phát huy, nâng giá trị, đẳng cấp cho phố đi bộ. Cũng như cần "cân đối" phát triển thêm những "phố ngày", "chợ trời" vốn đã hình thành với nhiều sản phẩm văn hóa, giải trí, nghiên cứu phong phú, độc đáo nhưng chưa có thương hiệu.