leftcenterrightdel
Diễn giả Đinh Quang Hoàng - Giám đốc Công ty Cổ phần sách điện tử Waka chia sẻ tại chương trình 

Tham dự có các diễn giả là các chuyên gia, nhà quản lý; đại diện lãnh đạo các Nhà xuất bản, các công ty sách điện tử, đơn vị phát hành cùng đông đảo bạn đọc, các bạn sinh viên ngành truyền thông đa phương tiện – Đại học Huế cùng những người quan tâm đến xuất bản nói chung và chuyển đổi số trong lĩnh vực này nói riêng.

Nội dung buổi toạ đàm xoay quanh các vấn đề Xuất bản và ứng dụng chuyển đổi số trong xuất bản, như: Ứng dụng Al vào hỗ trợ công tác biên tập; thiết kế bìa sách, thiết kế maket sách; sản xuất sách nói; xử lý dữ liệu và tóm lược nội dung để sản xuất sách tinh gọn; ứng dụng Chatbot Al để tra cứu và tìm kiếm nội dung; chuyển đổi số kênh phát hành sách in; chuyển đổi số trong xuất bản và phát hành sách điện tử… Bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ đã có những tác động không hề nhỏ đến hoạt động xuất bản.

Ông Trần Chí Đạt Giám đốc, Tổng biên tập NXB TT&TT cho biết, hoạt động xuất bản nước ta những năm gần đây đã có nhiều đổi mới về công nghệ, phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức, trong đó có hình thức xuất bản điện tử, đặc biệt là phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng.

Với dân số khoảng 98 triệu người, tỷ lệ sử dụng Internet ở Việt nam đạt trên 70% dân số, Internet và các thiết bị thông minh đang trở thành phương tiện chủ yếu để người đọc tiếp cận với thông tin nói chung và sách nói riêng. Nhờ ứng dụng công nghệ số, những công đoạn của xuất bản truyền thống sẽ được giảm đi rất nhiều để đến được tay nhiều động giả nhất trong thời gian nhanh nhất. 

Chuyển đổi trong lĩnh vực xuất bản có thể thấy rõ nhất trong các hoạt động marketing, bán hàng trên các trang thương mại điện tử, xuất bản điện tử. Theo chia sẻ của các diễn giả, đến nay, hầu hết các NXB, công ty sách đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào trong hoạt động xuất bản, phát hành. Các kênh bán hàng cũng được mở rộng, vượt ra ngoài khuôn khổ của các kênh bán hàng truyền thống với các hệ thống phát hành trực tuyến được xây dựng theo công nghệ đa nền tảng, đa giao diện. Nghĩa là tương thích và phù hợp với mọi chủng loại thiết bị, kích thước màn hình, nền tảng công nghệ thiết kế ra thiết bị và phần mềm điều khiển thiết bị đó. Ngoài ra, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý các nội dung nhưng biên tập, thiết kế tới đây cũng sẽ được ứng dụng nhiều trong xuất bản.

Có mặt tại chương trình, bạn Nguyễn Thanh Bình, sinh viên ĐH Huế bày tỏ: Sách điện tử ra đời đang tạo ra một sự lựa chọn cho bạn đọc trong việc tiếp cận nội dung xuất bản phẩm. “Hiện ngoài đọc sách thì mình còn sử dụng smartphone đọc, nghe, xem các loại hình sách mới như ebook, audiobook, videobook để giải trí, kham khảo tài liệu phục vụ cho việc học. Đồng thời nhờ đổi mới trong hoạt động phát hành, bạn đọc, độc giả chỉ cần ngồi ở nhà là có thể mua được sách khá thuận tiện qua các ứng dụng”, Bình nói.

Theo BTC chương trình, với các nội dung chia sẻ, trao đổi phong phú, buổi toạ đàm đã mang đến cơ hội cho các NXB, các công ty phát hành sách và những người quan tâm đến xuất bản có cái nhìn bao quát hơn, mang đến cho những người làm xuất bản cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm để không ngừng đổi mới sáng tạo trong hoạt động xuất bản. “Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong hoạt động xuất bản sẽ không ngừng được quan tâm để xuất bản có thể có những bước đột phá mới, từ đó thể hiện ngày một tốt hơn vai trò của mình trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, truyền bá tri thức, phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu của độc giả”, ông Đạt bày tỏ.

Tin, ảnh: LIÊN MINH