Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh: TTXVN |
1.Trách nhiệm của người đứng đầu là thực hiện quyền hạn được giao, chịu trách nhiệm và hậu quả pháp lý khi có vi phạm xảy ra. Trách nhiệm tập thể là nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn được quy định trong Điều lệ Đảng, Hiến pháp, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương và quy chế hoạt động trong từng cơ quan. Cần khẳng định tập thể lãnh đạo là cần thiết, nhưng nếu không có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, không làm rõ giữa tập trung và phân quyền thì dễ dẫn đến tình trạng coi nhẹ trách nhiệm hoặc dựa dẫm vào tập thể, không chịu trách nhiệm của cá nhân. Cá nhân phụ trách trên cơ sở tập thể lãnh đạo, tổ chức thực hiện những việc đã biểu quyết, thủ trưởng phải quyết đoán, dám chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Nếu không phân định rõ dễ dẫn đến khi thành công thì thành tích thuộc về cá nhân, khi có sai phạm thì đổ lỗi cho tập thể.
Người đứng đầu có vai trò rất quan trọng trong tổ chức cán bộ, nhưng không thể làm thay và chỉ có vai trò quyết định, trực tiếp đối với cán bộ dưới quyền. Người đứng đầu được giao thẩm quyền và có trách nhiệm trong việc đề xuất, giới thiệu quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật, phân công nhiệm vụ cho cán bộ cấp dưới. Đồng thời, phải chịu trách nhiệm liên đới khi cấp dưới vi phạm bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước. Nguyên tắc như vậy, nhưng do quy định còn chung chung nên khi người đứng đầu vi phạm quy định thì chỉ chịu trách nhiệm chung cùng với tập thể, thay vì chịu trách nhiệm cá nhân. Lợi dụng sơ hở khi thực hiện nguyên tắc này một số người đứng đầu tìm cách điều hành và quyết định theo ý đồ cá nhân mà không lo bị xử lý trách nhiệm, trở thành “cá nhân quyết định, tập thể chịu trách nhiệm”.
Trong các cơ quan đều có quy chế ủy quyền, phân công cấp phó chịu trách nhiệm theo chuyên đề, bộ phận, thay mặt cấp trưởng xử lý trong một số phần việc cụ thể. Cho nên cấp phó cũng phải chịu trách nhiệm như người đứng đầu khi được phân công và phải chịu trách nhiệm chính trong phạm vi đó. Tuy nhiên, người đứng đầu không thể đã có phân công mà quên không chịu trách nhiệm của mình, cho nên cũng phải liên đới với chức trách được giao, không thể đổ toàn bộ cho cấp phó.
2. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) nêu rõ: “Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp chịu trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc thực hiện công vụ và chịu trách nhiệm về những vi phạm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức thuộc phạm vi mình quản lý”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) yêu cầu: “Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị”. Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật cán bộ, công chức cũng đã quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước...
Tuy nhiên, trong thực tế, người đứng đầu thiếu công tâm, áp đặt ý kiến cá nhân, vì cục bộ, lợi ích nhóm, tham nhũng, lợi dụng theo ý đồ cá nhân đang có diễn biến khá phức tạp trong nội bộ. Hiện tượng này đã lấn át quyền hạn của tập thể, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tổ chức, cán bộ, vi phạm nguyên tắc của Đảng, quy định cơ quan.
Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đề cao, phát huy vai trò trách nhiệm của tập thể và tính chịu trách cá nhân người đứng đầu. Tập thể lãnh đạo đối với những vấn đề quan trọng, then chốt, đồng thời tăng cường phân quyền, đề cao trách nhiệm thủ trưởng khi giải quyết, chỉ đạo công việc cụ thể. Người đứng đầu phải được xác định rõ cơ chế trách nhiệm, vị trí trong tập thể theo hướng xác định rõ quyền, trách nhiệm không thể lạm quyền, làm trái khi tập thể đã quyết nghị. Nhưng cũng không thể đổ lỗi hoàn cho tập thể, bởi dù sao tiếng nói người đứng đầu mang tính quyết định cao nhất. Tuân thủ nguyên tắc công tác cán bộ cần được công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, có sự kiểm tra, giám sát, bảo đảm tính thống nhất theo nguyên tắc dân chủ, chế độ thủ trưởng. Việc nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan Nhà nước trong công tác cán bộ là hết sức cần thiết, nhưng cũng không cho phép cá nhân có chức quyền lộng hành, thao túng bộ máy theo ý đồ riêng.
Thực hiện kiểm soát quyền lực theo Quy định 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị để chống lợi dụng chức vụ để lạm quyền, lộng quyền, các cấp có thẩm quyền cần kiểm tra, xem xét trách nhiệm khi cá nhân quyết định vượt quá thẩm quyền cho phép trong khuôn khổ quy định. Trước thực tế tình trạng dân chủ và tập trung đang còn đan xen, không xác định được trách nhiệm khi có sai phạm xảy ra thì cần phải nhấn mạnh cơ chế chịu trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu, bổ sung cơ chế trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch, lấy ý kiến định kỳ, đột xuất của quần chúng. Đặc biệt là xác định rõ những vấn đề tiêu cực, tham nhũng phải được xử lý nghiêm theo quy định kỷ luật của Đảng, có dấu hiệu hình sự phải khởi tố để làm bài học chung. Vấn đề mà lâu nay chưa hoặc không được xử lý triệt để như những vi phạm khác làm cho công tác cán bộ bị xem nhẹ. Cần thiết có cơ chế để Nhân dân, báo chí, dư luận xã hội cùng tham gia trong giám sát, phát hiện dấu hiệu thiếu minh bạch, cục bộ, bao che của người đứng đầu trong công tác cán bộ…