Chuối già lùn là một trong những mô hình canh tác giúp nhiều hộ dân thoát nghèo |
Tại hội nghị triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh và chỉ đạo các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần tập trung cho công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh, nhất là phải đưa được A Lưới thoát khỏi danh sách huyện nghèo quốc gia. Hoàn thành mục tiêu này sẽ góp phần vào tiêu chí đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Với quan điểm chỉ đạo: "Xác định rõ nguyên nhân nghèo và có phương án thoát nghèo theo địa chỉ cụ thể cho từng hộ nghèo" và căn cứ kế hoạch phân bổ chỉ tiêu của huyện, các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể đối với thôn, tổ dân phố. Năm 2022, tỉnh giao giảm tỷ lệ hộ nghèo 7,54%, tương đương 1.060 hộ nghèo. Huyện phấn đấu giảm 10,18%, tương đương 1.430 hộ nghèo; các xã, thị trấn phấn đấu giảm 10,78%, tương đương với 1.512 hộ. Thực tế đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 11,78%, tương ứng 1.623 hộ, vượt 193 hộ so với kế hoạch đề ra. Hiện nay, toàn huyện A Lưới còn 5.399 hộ nghèo, chiếm 38,2%.
Để giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 26,12% cuối năm 2023, cấp ủy, ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững từ huyện đến cơ sở đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, gắn trách nhiệm của từng đồng chí UVBTV Huyện ủy, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, 3 tổ công tác do 3 đồng chí Thường trực Huyện ủy làm tổ trưởng về làm việc với đảng ủy 18 xã, thị trấn để nghe báo cáo công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương; chỉ đạo triển khai các phương án thoát nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025 cho từng hộ gia đình. Huyện cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn huyện giảm còn dưới 12,01%.
Dựa trên kết quả điều tra về nguyên nhân hộ nghèo, cận nghèo và số hộ cần giảm nghèo hàng năm, huyện tập trung chỉ đạo các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, bố trí và sử dụng nguồn lực cho công tác giảm nghèo công khai, minh bạch, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, bảo đảm sự tham gia chủ động, tích cực của người dân. Bên cạnh xây dựng các chương trình lồng ghép giữa giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, huyện huy động nguồn lực của toàn xã hội chăm lo cho công tác giảm nghèo theo phương châm: Nhà nước tạo điều kiện về sinh kế, cộng đồng hỗ trợ, còn bản thân người nghèo tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Ông Lê Ngọc Tĩnh, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện A Lưới chia sẻ, điều mà huyện rất lo ngại là nhiều hộ không muốn thoát nghèo lại nằm trong độ tuổi đang lao động với "sức dài, vai rộng" không ốm đau, nhưng lười lao động và luôn ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại, dựa dẫm, không muốn thoát nghèo của người dân là rào cản lớn nhất đến hiệu quả công tác giảm nghèo của địa phương.
Vì vậy, ngoài vận động ngoại lực, thực hiện các chính sách liên quan và huy động nội lực, địa phương chú trọng các biện pháp tuyên truyền, vận động để các hộ nghèo nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân. Để người nghèo hiểu được họ vừa là chủ thể, vừa là đối tượng được hưởng lợi từ chương trình giảm nghèo, từ đó chủ động, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, tranh thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể và cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo Phòng LĐTB&XH huyện A Lưới, hiện trên địa bàn huyện đang triển khai các dự án về chính sách chương trình giảm nghèo bền vững. Để kết quả thực hiện đem lại hiệu quả cao, huyện chú trọng triển khai theo hướng tập trung, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo và đi vào những nội dung cụ thể, tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sinh kế và được tiếp cận 10 dịch vụ nghèo đa chiều, nhất là chính sách hỗ trợ về giáo dục, nhà ở, chính sách bảo hiểm y tế... Gắn liền với đó, huyện còn đẩy mạnh thực hiện chương trình đào tạo nghề nông thôn, giải quyết việc làm và giao chỉ tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về từng xã, từng thôn...