leftcenterrightdel
 Phố đi bộ Hai Bà Trưng sôi động vào các tối cuối tuần

Đưa vào hoạt động chưa đầy 1 tháng, phố đi bộ Hai Bà Trưng đã trở thành tâm điểm chú ý và là địa điểm vui chơi, giải trí, mua sắm và thưởng thức ẩm thực thu hút sự tham gia của người dân và du khách vào 3 đêm cuối tuần. Ngoài không gian kinh doanh của các cơ sở kinh doanh sẵn có, phố đi bộ còn là không gian tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc đường phố... góp phần đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa cho người dân địa phương và du khách. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh doanh, thương mại, phát triển kinh tế cho người dân.

Ông Nguyễn Đức Tường Thoại, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Ninh cho rằng, khác với các tuyến phố đêm khác, không gian văn hóa nghệ thuật đường phố, các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa nghệ thuật ở phố đi bộ Hai Bà Trưng được tổ chức theo hình thức nghệ thuật đường phố lưu động. Trong đó, các hoạt động thương mại mang tính cộng đồng đã hình thành nên một không gian trưng bày, giới thiệu và mua bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản và ẩm thực ba miền bằng xe lưu động; trong đó, ưu tiên trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của Huế nên thu hút khá đông người dân và du khách.

Cùng với phố đi bộ Hai Bà Trưng, sau hơn 5 năm đưa vào hoạt động, phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu đã đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, mua sắm, giao lưu sinh hoạt văn hóa cộng đồng và khám phá ẩm thực Huế của du khách và người dân, góp phần thúc đẩy hoạt động dịch vụ, thương mại, đặc biệt là bổ sung sản phẩm du lịch hoạt động về đêm hấp dẫn trên địa bàn TP. Huế.

Theo Chủ tịch UBND phường Phú Hội, bà Võ Thị Anh Thư, sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, từ đầu năm 2023 đến nay phường đã huy động nhân lực chỉnh trang lại toàn tuyến, liên kết với các đoàn nghệ thuật, câu lạc bộ, hội nhóm... tổ chức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật vào 3 tối cuối tuần nhằm kích cầu du lịch, thu hút khách. Sự hình thành và phát triển của phố đi bộ đã tạo điểm nhấn cho du khách và công chúng, đồng thời kết nối các điểm du lịch trên địa bàn thành phố tạo không gian vui chơi, giải trí cho du khách.

Cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, hiện trên tuyến phố có hơn 200 cơ sở kinh doanh hoạt động khá ổn định, tạo nguồn thu thường xuyên cho BQL để phục vụ công tác chỉnh trang, vệ sinh môi trường, đảm bảo trật tự đô thị. “Từ khi hình thành phố đi bộ đến nay, lượng khách đến tham quan, mua sắm tăng nhiều so với trước nên cơ sở đầu tư kinh phí chỉnh trang lại cửa hàng, mua sắm thêm sản phẩm lưu niệm vừa phục vụ khách tại chỗ, vừa cung cấp cho các đại lý trong nước nên doanh số bán hàng liên tục tăng, đặc biệt là vào mùa du lịch”, chị Thu Hằng, kinh doanh hàng lưu niệm ở đường Võ Thị Sáu chia sẻ.

Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, quý I/2023 hoạt động du lịch có bước phục hồi và tăng trưởng tốt, lượng khách du lịch đến Huế ngày một tăng, đặc biệt là khách quốc tế. Tổng lượng khách đạt 522 nghìn lượt, trong đó khách lưu trú đạt 345 nghìn lượt; doanh thu du lịch đạt 1.463 tỷ đồng, tăng gấp 7,3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với phát triển du lịch - dịch vụ về đêm, thời gian tới thành phố tiếp tục hoàn thiện các đề án Phố đêm Hoàng thành Huế, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng Rú Chá - Cồn Tè; xây dựng mô hình du lịch cộng đồng biển tại Hải Dương; tăng cường các dịch vụ vui chơi, giải trí tại Phố đi bộ Hai Bà Trưng và Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu; triển khai phố ẩm thực, phố đêm tại các địa điểm nằm trong quy hoạch.

Bài, ảnh: KHÁNH THƯ