Phát triển sản xuất kinh doanh kéo theo giải quyết về việc làm, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, trong đó có hộ nghèo |
Lồng ghép giữa công và tư
Qua rà soát số hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023, toàn tỉnh còn 11.735 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,56% và 10.854 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,3%. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu đến cuối năm 2023 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,17%.
Ông Đặng Hữu Phúc, TUV, Giám đốc Sở LĐTB&XH nêu quan điểm, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài, đòi hỏi các nguồn lực vật chất và tinh thần rất lớn. Nguồn vốn của Nhà nước đầu tư cho mục tiêu giảm nghèo là rất quan trọng, song không thể thụ động trông chờ, vì ngân sách của Nhà nước là có hạn. Hơn nữa nguồn đầu tư của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo chỉ có kết quả và ý nghĩa tích cực khi được đặt trong tổng thể các nguồn lực vật chất huy động từ sự đóng góp của toàn xã hội. Để thực hiện tốt giải pháp này, việc tuyên truyền vận động Nhân dân và các doanh nghiệp (DN) trong, ngoài tỉnh, ngoài nước đóng góp ủng hộ chung tay vì người nghèo là rất cần thiết và đáng quý.
Đơn cử hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, từ nguồn ngân sách và huy động sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể, DN, năm 2022, toàn tỉnh có hơn 1.030 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở với kinh phí hơn 46,1 tỷ đồng. Các nguồn huy động từ cộng đồng, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thời gian qua còn hỗ trợ về vốn sản xuất, tặng quà cho học sinh nghèo, khám chữa bệnh cho người nghèo và rất nhiều hoạt động có ý nghĩa khác, như: trợ giúp khó khăn đột xuất, thăm hỏi, tặng quà cho hàng ngàn người khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh... Ngoài hỗ trợ trực tiếp về vật chất, chính sách, định hướng hoạt động đầu tư của DN vào sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề phù hợp với người lao động ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng rất quan trọng, góp phần thiết thực trong công tác giảm nghèo.
Tuy vậy, muốn GNBV, nguyên tắc "cho con cá" và "trao cần câu" phải được cân nhắc áp dụng phù hợp từng hoàn cảnh hộ nghèo, thời điểm. Nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách hỗ trợ trực tiếp hiện nay (cho con cá) quan trọng, nhưng không nên làm đại trà, trong một thời gian dài. Nên tách đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng nghèo để có chính sách phù hợp. Đầu tư hạ tầng, đầu tư cho các chương trình phát triển kinh tế địa phương, hỗ trợ tín dụng, đầu tư cho giáo dục, y tế, tạo công ăn việc làm, tăng thụ hưởng dịch vụ công cho người nghèo ở các vùng nghèo mới là giải pháp căn cơ nhất.
Những đầu tư trên phải gắn với việc lựa chọn mô hình, dự án, nội dung hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế, nhu cầu cần hỗ trợ của đối tượng. Tổ chức các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng; phù hợp với mục tiêu của chương trình, góp phần giảm nghèo đa chiều, bao trùm và hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới.
Cùng vào cuộc
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia GNBV giai đoạn 2021-2025, các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh về GNBV, các sở, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng các kế hoạch, triển khai hoạt động và huy động toàn hệ thống chính trị tham gia thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu giao giảm nghèo.
Thời gian gần đây, nhiều địa phương đã phát động hiệu quả phong trào dòng họ, làng bản không có hộ nghèo. Phong trào này không chỉ tăng tính đoàn kết, tương thân tương ái mà còn phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, người có vai vế, có tiếng nói trong dòng họ, làng, thôn, bản để huy động người thân, bà con cùng chung tay giúp hộ nghèo thoát nghèo. Qua đó còn để tuyên truyền, vận động, khích lệ hộ nghèo có khả năng thoát nghèo vươn lên trong lao động, sản xuất.
Hay như Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Huế, hàng năm đều gắn công tác giảm nghèo với thực hiện chỉ tiêu thi đua với yêu cầu: "Mỗi cơ sở hội đăng ký giúp thêm ít nhất 2 hộ gia đình đạt các tiêu chí "Gia đình 5 không 3 sạch", trong đó có ít nhất 1 hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều". Từ yêu cầu này, các cấp hội cơ sở tiến hành rà soát số lượng phụ nữ, trẻ em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ để xây dựng kế hoạch, biện pháp giúp đỡ cụ thể. Nhờ đó, bình quân mỗi năm đã giúp từ 40 - 45 hộ nghèo trên địa bàn TP. Huế thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều.
Đối với những hội viên phụ nữ nghèo đơn thân, yếu thế, khó thoát nghèo, các cấp hội phụ nữ TP. Huế triển khai những chương trình, mô hình thiết thực, phù hợp để hỗ trợ, như: "Tổ chức Hội đồng hành cùng phụ nữ đơn thân yếu thế", "Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương", "Triệu phần quà san sẻ yêu thương"...