Các thư viện được đầu tư khang trang (ảnh minh họa) |
Đua nhau chọn “trường điểm”
Lẽ thường, học sinh đến tuổi đi học có quyền được chọn một cơ sở giáo dục để học tập theo chương trình phù hợp với lứa tuổi. Trên mỗi địa bàn dân cư (xã, phường, thị trấn) đều có trường học các cấp. Những học sinh có hộ khẩu tại khu dân cư đó gọi là học đúng tuyến, học sinh có hộ khẩu nơi khác chuyển đến gọi là học trái tuyến. Đấy chỉ là cách gọi để quản lý tốt hơn. Còn trong thực tế dù trái tuyến hay đúng tuyến, các em đều được đối xử công bằng như nhau, được học và tham gia mọi hoạt động do trường tổ chức.
Nhiều phụ huynh lại không nghĩ vậy. Điệp khúc xin cho con học “trường điểm” ở trung tâm thành phố lại rộn ràng, nhất là thời điểm ra tết. Trong ý nghĩ của nhiều phụ huynh, những trường đó thuộc “tốp trên” sẽ giúp cho con em mình học tốt hơn. Thế nên, những cuộc “chạy đua” của các bậc phụ huynh ngay ở các phường trong thành phố khá nhọc nhằn và quyết liệt. Có người làm giấy khai sinh cho con xong là “gửi con” vào hộ khẩu của người thân quen đang đóng trên địa bàn, để rồi “mua dây buộc mình”, khi những nghi ngờ bủa vây. Thế nên, không ngạc nhiên khi nhiều hiệu trưởng thổ lộ, không dám nghe điện thoại số lạ chỉ vì có nhiều người xin học trái tuyến, lo nhất vẫn là suất “ngoại giao”.
Còn nhớ năm học trước, có trường từ chối hơn một trăm bộ hồ sơ xin học trái tuyến, vì trường chỉ đủ chỉ tiêu giải quyết cho con em tại địa phương. Thực ra, không có trường nào được gọi là “trường điểm” khi việc dạy và học của các trường đều theo một chương trình chuẩn chung, do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Tất cả giáo viên đang trực tiếp đứng lớp giảng dạy đều được đào tạo đúng quy chuẩn và có tâm huyết với nghề. Do sự đầu tư của lãnh đạo địa phương, do tạo dựng được những mối quan hệ tốt, hay do làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, nên một số trường có cơ sở vật chất khang trang hơn. Có một số trường có bề dày thành tích hơn đã tạo dựng được “thương hiệu” của mình. Hơn nữa, nhiều gia đình xin cho con học trái tuyến một phần vì nhu cầu đưa đón con khi ở gần cơ quan bố mẹ.
Trái tuyến ở các trường vùng ven
Những năm gần đây, nhiều gia đình trẻ đến các vùng ngoại ô thành phố để làm nhà. Thế nên, xu thế chọn trường gần nhà cho con cũng đã bắt đầu thay đổi. Thực tế, một số trường vùng ven đã phải nhận đến 20% học sinh trái tuyến, do các em chưa nhập hộ khẩu nhưng đang sinh sống tại địa phương. Thầy Dương Hồng Thắng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thủy Biều cho biết: Trước đây mỗi năm chỉ tuyển sinh đầu cấp được khoảng trên 80 em, còn cả trăm em trên địa bàn lại ngược xuôi xuống phố học trái tuyến. Giờ thì đã ổn hơn khi các em đều học trúng tuyến.
Phải thừa nhận, các trường ven thành phố đã thay đổi, nhất là nhiều trường có quỹ đất rộng rãi. Hiện nay, TP. Huế có đến gần 70 trường đạt chuẩn quốc gia. Với tỷ lệ giáo viên đạt trình độ chuẩn mầm non 96,74%, tiểu học 90,22%, THCS 96,21%. Đây là một đội ngũ giáo viên tương đồng về mặt chất lượng. Bình quân, các trường đều đạt tỷ lệ 1,5 cô/lớp. Theo Trưởng phòng GD&ĐT TP. Huế Nguyễn Thuận, chỉ tiêu phân bổ giáo viên về các trường dựa trên các điều kiện, nhu cầu của các trường, nguyện vọng của giáo viên được dạy gần nhà. Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ với số tiền đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng/năm, nhất là ưu tiên cho các trường xuống cấp.
Thuận tiện hơn đối với nhiều phụ huynh khi hầu hết, các trường tiểu học trên địa bàn TP. Huế học hai buổi/ngày và các trường đều tổ chức học bán trú, phụ huynh dễ dàng thu xếp việc đưa đón. Thậm chí, một số trường vùng ven đầu tư cơ sở vật chất khang trang hơn do làm tốt công tác xã hội hóa. Từ đó, phụ huynh yên tâm khi tỷ lệ học sinh đạt các giải từ cấp thành phố đến tỉnh rải đều ở các trường; trong đó, có nhiều giải cao thuộc về học sinh các trường vùng ven.
Học trái tuyến nhìn chung vừa vất vả cho các em, vừa gây áp lực không cần thiết cho nhà trường. Hệ lụy của học trái tuyến khi các trường ở trung tâm thường có sĩ số từ 40 đến 41 học sinh, trong khi theo quy định mỗi lớp học chỉ có 35 em. Với lớp học đông, các em sẽ không được thực hành hết các kỹ năng thầy cô hướng dẫn. Giáo viên cũng không thể nào quán xuyến hết từng em trong lớp.
Cơ chế bắt buộc học sinh học đúng tuyến của ngành giáo dục đã tạo điều kiện cho các trường tuyển sinh đầu cấp có chất lượng hơn. Các trường phải phát huy nội lực, tạo thương hiệu hoặc có cách tuyên truyền, vận động phù hợp để giữ chân học sinh trên địa bàn. Khi cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giáo viên giữa các trường tương đồng thì chắc chắn tình trạng chạy trường, chạy lớp sẽ giảm đáng kể.