Xe buýt đã hoạt động ở Huế từ hàng chục năm trước, là loại hình giao thông công cộng, được Nhà nước trợ giá. Người đi xe được thụ hưởng với mức giá thấp, nay Công ty Phương Trang công bố những tuyến xe buýt không trợ giá, tức là bước ra vận hành theo cơ chế thị trường – hạch toán lời lãi theo mức thu chi và hiệu quả hoạt động. Điều này cũng có nghĩa là người đi phải trả một mức giá cước cao hơn.

Nếu những tuyến xe buýt này hoạt động thành công sẽ có nhiều kinh nghiệm được rút ra.

Kinh nghiệm đầu tiên đó là chất lượng dịch vụ đảm bảo tính cạnh tranh. Theo những thông tin mà Công ty Phương Trang công bố, chất lượng xe rất tốt. Toàn bộ 42 đầu xe vận hành đều là xe mới. Ngay thời gian nối chuyến cũng được công ty tính toán hết sức thuận lợi cho người sử dụng dịch vụ, từ 20 -30 phút/chuyến và phục vụ hàng ngày từ 5h30 – 17h30.

Cũng như nhiều loại hình dịch vụ khác, dịch vụ vận tải cũng ở mức cạnh tranh rất lớn trong nhiều năm qua, nên mặt bằng chất lượng và thái độ phục vụ nói chung được nâng cao đáng kể. Hiểu rõ điều này, chắc chắn công ty sẽ có những cam kết về chất lượng đối với khách hàng. Muốn đạt chất lượng tốt thì mọi mục tiêu đưa ra đều được tính toán, quản lý tốt. Ví dụ như đào tạo nhân viên chuẩn mực thái độ phục vụ là như thế nào. Kỷ luật lao động về khung thời gian chạy ra sao. Chất lượng xe phải được duy trì ở mức tốt, không chỉ ở giai đoạn đầu mà phải đảm bảo suốt quá trình hoạt động…

Việc công ty không dựa công cụ trợ giá của Nhà nước mà bước ra hoạt động theo cơ chế thị trường, ở mức độ nào đó cũng cho thấy, thói quen sử dụng xe buýt của người dân đã có những thay đổi. Ít ra thì trong một thời gian dài sử dụng dịch vụ, họ đã thấy sự thuận lợi, giá cả phù hợp, đi xe buýt có lợi hơn sử dụng phương tiện cá nhân. Thói quen sử dụng dịch vụ này đã hình thành cũng là lúc các nhà cung cấp dịch vụ tính toán, chớp lấy thời cơ. Vừa phục vụ tốt hơn cho khách hàng nhưng đồng thời cũng thu được lợi nhuận kỳ vọng.

Công ty chưa công bố mức giá sẽ như thế nào. Có thể hiểu nó sẽ tăng, nhưng dưới mặt bằng chung của thị trường. Vì là tuyến cố định, phục vụ cho số đông nên công ty cung cấp dịch vụ cũng có lợi thế về giá. Đó là chưa nói đến việc có thể thu được phí từ vận chuyển hàng hóa.

Khách hàng bao giờ cũng là người tiêu dùng khôn ngoan, họ thừa biết đo đếm sự thuận lợi và so sánh mặt bằng giá. Nếu các công ty cung cấp dịch vụ đáp ứng tốt các yếu tố này thì sẽ thuyết phục được khách hàng.

Tuy chỉ là một câu chuyện về tuyến xe buýt không trợ giá, nhưng nó cũng nói đến một vấn đề cốt lõi của hoạt động kinh tế. Đã là hoạt động kinh tế, tốt hơn hết là phải vận hành theo cơ chế thị trường. Ở đây chúng ta thấy cả ba chủ thể tham gia vào quá trình này đều có lợi – Nhà nước không còn mất một khoản ngân sách để trợ giá (đó là chưa nói đến chuyện mục tiêu khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng đã đạt được); nhà cung cấp dịch vụ tự do tính toán để kinh doanh (và có thể thu được lợi nhuận cao hơn); người sử dụng dịch vụ được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn. Nghĩa là cả ba cùng thắng.

Nguyên Lê