leftcenterrightdel
 Nghề chằm nón Vân Thê còn là một trong những sản phẩm du lịch cộng đồng của xã Thủy Thanh

Nghề chằm nón Vân Thê xuất hiện khoảng vào năm 1553. Sau thời gian mai một với nhiều nguyên nhân, từ năm 2000, nghề chằm nón nơi đây khởi sắc trở lại. Tiếp đó, thông qua các kỳ Festival Huế, Festival Nghề truyền thống Huế, nghề chằm nón ở Huế nói chung, Vân Thê nói riêng được khách du lịch biết đến nhiều hơn, từ đó, số lượng nón lá tiêu thụ cũng tăng đáng kể.

Từ những đóng góp của mình, đến cuối năm 2022, nghề làm nón Vân Thê được UBND tỉnh công nhận là Nghề truyền thống của Huế.

Hiện, Vân Thê có hơn 70 hộ làm nón lá, trong đó, tiêu biểu là cơ sở nón lá Nguyễn Thị Kiềm nhiều năm được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh (2015, 2017, 2021)…, đồng thời, cũng là cơ sở chủ lực của nón Vân Thê tham gia Festival Nghề truyền thống Huế lần này.

Tại Festival Nghề truyền thống Huế lần 9/2023, cơ sở nón lá Nguyễn Thị Kiềm tham gia 3 gian hàng với hơn 1.500 nón lá cùng các công đoạn trình diễn chằm nón. Và để có được số lượng nón nói trên, những người chằm nón tại cơ sở của bà Kiềm phải làm việc cật lực trong 3 tháng.  

“Ngoài nón lá thông dụng, một số nón lá của chúng tôi thêu, vẽ cầu ngói Thanh Toàn, những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng trên đất Cố đô với mong muốn tiếp tục lan tỏa hơn nữa hình ảnh một Huế xinh đẹp đến với du khách trong nước, quốc tế”, bà Nguyễn Thị Kiềm chia sẻ.

Tin, ảnh: HÀN ĐĂNG