Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Bí thư Huyện ủy Phú Lộc trong một lần thảo luận về các nghị quyết tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 10, HĐND tỉnh khóa VIII |
“Chạm” vào điểm nóng
Sau những đợt tiếp xúc cử tri trước mỗi kỳ họp, các phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại hội trường HĐND tỉnh lại “chạm” đến những vấn đề gai góc. Đặc biệt là giải pháp từ các nhóm vấn đề chất vấn giúp tỉnh hoạch định, thay đổi các chính sách, cơ chế phù hợp với thực tiễn.
Còn nhớ, tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa VIII, trước thực trạng giải ngân vốn đầu tư công thấp, đại biểu Trương Công Hân đặt câu hỏi về các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhằm tăng tỷ lệ giải ngân vốn 6 tháng cuối năm và đạt kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2022.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch & Đầu tư dẫu đã giải trình, nêu giải pháp, song Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu đề nghị ngành kế hoạch – đầu tư báo cáo cụ thể UBND tỉnh ngành nào giải ngân chậm để có chế tài xử lý, quy trách nhiệm rõ ràng cho người đứng đầu nhằm đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.
Cũng tại phiên chất vấn này, tiến độ Dự án giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế cũng làm “nóng” hội trường, bởi đây không chỉ là dự án lịch sử của tỉnh mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn di sản văn hóa, một yếu tố vô cùng quan trọng trong mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa VIII diễn ra cuối năm 2022 “nóng” với những dấu hỏi về hạn chế trong công tác quy hoạch, ảnh hướng đến tiến trình “lên Trung ương” của tỉnh. Các đại biểu chỉ rõ, việc Quy hoạch chung của tỉnh và một số quy hoạch ngành chưa được phê duyệt dẫn đến các dự án (DA) chậm tiến độ.
Ngoài ra, từ kiến nghị cử tri, thực trạng ngập cục bộ tại các địa phương khi mưa to; ách tắc giao thông và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; dịch chuyển nhân lực y tế từ công sang tư; thiếu thiết chế văn hóa; thiếu giáo viên là những vấn đề được các đại biểu gửi gắm đến các cơ quan có thẩm quyền.
Đánh giá về hoạt động chất vấn trong các kỳ họp, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân cho biết, thông qua hoạt động này, vai trò của HĐND trong công tác giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương được thể hiện rõ nét, thu hút sự quan tâm và đánh giá cao của đông đảo cử tri và Nhân dân trong tỉnh.
Ngoài các phiên chất vấn, hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh được triển khai phù hợp với tình hình thực tế. Điển hình là các cuộc giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong việc quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2021”; giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2021”; giám sát việc giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 3 và kỳ họp thứ 4. Ngoài ra, Thường trực HĐND tỉnh đã tiến hành 2 cuộc khảo sát để xem xét kết quả giải quyết đơn thư kiến nghị phản ánh của công dân.
Thực hiện kế hoạch giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND tỉnh cũng tổ chức giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật quy hoạch có hiệu lực thi hành” và phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức 3 đoàn giám sát theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Hoạt động giám sát, khảo sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh được triển khai linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn và nguyện vọng của cử tri. Kết quả giám sát đã chỉ ra hạn chế và nguyên nhân, đồng thời kiến nghị giải pháp khắc phục”, bà Vân đánh giá.
ĐBQH Nguyễn Thị Sửu thảo luận tại tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
Đưa vấn đề của tỉnh đến nghị trường Quốc hội
Trước mỗi kỳ họp Quốc hội, HĐND tỉnh, người ta dễ dàng cảm nhận được “sức nóng”, bởi đây là dịp cử tri mong chờ những quyết sách đúng- trúng- kịp thời.
Cử tri Lê Cẩn (xã Thủy Phù, TX. Hương Thủy) nói: “Cứ đến kỳ họp Quốc hội là tôi lại háo hức. Thời điểm này càng mong chờ hơn bởi tỉnh đang phấn đấu đi lên thành phố Trung ương, theo dõi các kỳ họp sẽ biết được những thông tin trong lộ trình xây dựng và phát triển tỉnh”.
Cuối năm 2021, Quốc hội ban hành Nghị quyết cơ chế đặc thù cho tỉnh. Theo đó, tỉnh đang phấn đấu trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh...
Trong hành trình này, Quốc hội, các vị ĐBQH đã đồng hành cùng địa phương, chứng kiến sự nỗ lực xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương của tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, nghị quyết của Quốc hội đã tạo nền tảng cơ chế, chính sách cho tỉnh, có động lực phát triển mọi lĩnh vực trong đó có lĩnh vực tài chính ngân sách, kinh tế và triển khai thật tốt các lợi thế là di sản, văn hoá, cảnh quan thân thiện với môi trường và thông minh.
Với những điều kiện được tạo hết sức đồng bộ từ Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành trung ương, hiện tỉnh đã và đang chuẩn bị hết sức chu đáo và đang nỗ lực hết sức mình để xây dựng các lộ trình phát triển làm sao đạt được kế hoạch theo nghị quyết trung ương 54 của Bộ Chính trị
Nhiều lần phát biểu tại nghị trường, với tư cách đại biểu Quốc Hội, bà Sửu đã kiến nghị cần dành nguồn lực cho văn hoá.
Bà Sửu khẳng định, từ nền tảng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và văn hoá, tỉnh sẽ triển khai tất cả các giải pháp nhiệm vụ liên quan đến văn hoá, phát triển tối ưu những lợi thế tiềm năng vốn có của Huế, huy động các nguồn lực để phát triển văn hoá.
“Bản sắc văn hoá Huế rất cần lồng ghép để phát triển công nghiệp văn hoá. Ngoài ra, Huế cần tạo sự đồng thuận rất lớn từ người dân trong việc xây dựng không gian di tích văn hoá, di tích lịch sử, di tích sinh thái và tất cả các di tích phải cùng phát huy đồng bộ để tạo tiềm năng thật lớn, hài hoà cho việc phát triển tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, bà Sửu nêu quan điểm.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành sớm xây dựng kế hoạch, có những giải pháp kỹ lưỡng, thực tiễn, thấu đáo và thực hiện đúng, trúng để đáp ứng mong mỏi của các ĐBQH, cử tri và Nhân dân cả nước.
Không chỉ chất vấn tại nghị trường, ở các buổi thảo luận tổ, các vị ĐBQH tỉnh cũng có những ý kiến đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Nổi bật là kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, công tác giải ngân vốn đầu tư công, góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)….
Việc thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây đã tạo ra cú hích lớn |
Khi nghị quyết thích ứng thực tiễn
Cùng với sự phát triển chung của đất nước, kế hoạch phát triển của tỉnh luôn được các vị đại biểu dân cử trăn trở.
Kết quả giám sát việc thực thi các nghị quyết chuyên đề của HĐND đã chỉ ra một thực tế rằng, chỉ khi nghị quyết của cơ quan dân cử sát thực tiễn thì việc hấp thu mới dễ dàng, hiệu quả mang lại lớn. Đặc biệt, để khơi sức dân, đồng thời phát huy trách nhiệm của người dân đồng hành với Nhà nước trong xây dựng và chỉnh trang đô thị, xây dựng đô thị văn minh thì Nhà nước cũng phải có “cú huých” từ cơ chế.
Sau các kỳ họp HĐND, nhiều nghị quyết được thông qua có ý nghĩa quan trọng, song nghị quyết đi vào cuộc sống là cả một nỗ lực lớn.
Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 7/9/2022 về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 6 đã mở ra cơ hội phát triển mới, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cho rằng, đây chính là tiền đề để hỗ trợ họ nghiên cứu, thực hiện các dịch vụ vận tải tại cảng. Sau một thời gian đi vào thực tiễn, nghị quyết này thực sự tạo cú hích để cảng Chân Mây đón thêm các chuyến tàu container quốc tế.
“Với sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh cùng sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh hứa hẹn sẽ phát triển vượt bậc trong thời gian tới. Việc mở tuyến vận chuyển hàng container qua cảng Chân Mây sẽ giúp lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cảng lớn hơn, mang lại hiệu quả cho các hãng tàu, các doanh nghiệp và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đánh giá.
Mới đây, tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 10, Đề án “Phát triển kinh tế xã hội Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030” là nội dung quan trọng được HĐND tỉnh thông qua bằng nghị quyết. Đây là tiền đề, cơ sở để tỉnh trình đề án cho Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, đề án này nhằm kết nối kinh tế biển, đẩm phá du lịch biển, phát triển đô thị phía biển, đầm phá. Một trong những thành tố quan trọng để hình thành các vùng kinh tế động lực, cấu thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai. Điều quan trọng hơn, đề án là cơ sở, tạo ra các giải pháp huy động nguồn lực để đánh thức tiềm năng vùng đầm phá.
Những nghị quyết điển hình trên cho thấy sự linh hoạt với thực tiễn. Và ngọn nguồn bắt nguồn từ hoạt động giám sát.
Không phải ngẫu nhiên mà đổi mới hoạt động giám sát ngày càng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri, Nhân dân là một trong 10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu của Quốc hội năm 2022.
Giám sát không có nghĩa là "bới lông tìm vết" mà là để xây dựng, thúc đẩy việc thực hiện tốt hơn. Khi phát hiện sai phạm kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Trong tiến trình phát triển đất nước nói chung và của Thừa Thiên Huế nói riêng, hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND tỉnh sẽ là một phần quan trọng, để từ đó, những khó khăn, vướng mắc, yếu kém, tồn tại trong công tác quản lý nhà nước được nhận diện thẳng thắn, phân tích đa chiều, nhiều góc cạnh.