Vận hành hệ thống xử lý nước thải tại KCN Phú Bài |
Với 6 khu công nghiệp (KCN) tại Thừa Thiên Huế, chỉ có KCN Phú Bài được đầu tư nhà máy xử lý nước thải (XLNT) hoàn thiện. Số còn lại hiện vẫn đang là một "bài toán" không dễ.
Một lãnh đạo DN đầu tư tại KCN Phú Đa chia sẻ, là đơn vị chuyên sản xuất may mặc, hiện đơn vị đã đầu tư hệ thống XLNT nội bộ và vận hành xử lý theo đúng quy định. Tuy nhiên, do chưa có nhà đầu tư hạ tầng trong KCN Phú Đa đầu tư hệ thống XLNT tập trung nên nước thải của đơn vị sau xử lý đang thải "bừa" ra môi trường.
Không riêng đơn vị trên lo lắng và trông đợi có hệ thống XLNT tập trung được đầu tư trong KCN Phú Đa, mà nhiều DN tại các KCN như Phong Điền, La Sơn, Tứ Hạ... đều đang lo chuyện nước thải ra không có đường thoát, hệ thống thoát đảm bảo.
Nỗi lo này là thực tế bởi hiện nay, ngoài KCN Phú Bài đã đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung hoàn thiện với công suất 6.500m3/ngày đêm, thì ở KCN Phong Điền, Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera chỉ đang xây dựng Trạm xử lý nước thải giai đoạn I với công suất 2.000m3/ngày đêm và tại KCN Tứ Hạ, Công ty CP Hello Quốc tế Việt Nam đang xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung (500m3/ngày đêm).
Chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoàn thiện ở các KCN, thời gian qua làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư của địa phương, cũng như môi trường xung quanh vì quá trình hoạt động nhiều, DN, nhà máy đã tự ý xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến khu dân cư.
Đầu năm 2022, UBND tỉnh đã có quyết định hỗ trợ 20% chi phí, thay thế cho quyết định hỗ trợ trước đó vào năm 2017 là 20% chi phí xây lắp và thiết bị; hoặc 20 triệu đồng/m3 cho công trình đầu mối nhà máy xử lý nước thải, nhưng không quá 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư hạ tầng KCN tiếp cận được nguồn kinh phí này.
Theo lãnh đạo ban, ngành, đơn vị chức năng địa phương, muốn kêu gọi được các DN vào sản xuất, kinh doanh ở KCN thì phải có hạ tầng hoàn thiện, như đường sá, điện, hệ thống xử lý nước thải tập trung… Tuy nhiên, hiện nay phần lớn KCN đang khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư hạ tầng và rất ít nhà đầu tư mặn mà bỏ vốn để thực hiện DA xử lý nước thải tập trung. Họ e ngại khi tính bài toán kinh doanh, nếu đầu tư mà DN vào thuê đất ít sẽ lỗ.
Thời gian qua, một số DN nước ngoài quan tâm đến các DA xử lý nước thải tại KCN ở Thừa Thiên Huế. Thế nhưng các DA chưa triển khai là do vướng các thủ tục. Một số DN cho biết, nếu hồ sơ, thủ tục đơn giản, có sẵn quy hoạch, đất đai để thực hiện DA xử lý nước thải, họ sẵn sàng đầu tư.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành trên cả nước đến năm 2030, các KCN phải có công trình xử lý nước thải tập trung. Các KCN ở địa phương phải tăng tốc đầu tư các nhà máy xử lý nước thải tập trung để đảm bảo việc xử lý nước thải ổn định, không thải ra môi trường.
Đạt mục tiêu trên, bên cạnh việc đẩy mạnh việc mời gọi các nhà đầu tư thiện chí, phải tiếp tục ưu tiên nguồn vốn đầu tư để triển khai các DA xử lý nước thải tại các KCN và phải tháo gỡ các thủ tục vướng mắc liên quan mới kịp lộ trình Chính phủ đề ra.