Có con ở tuổi “ẩm ương”, mỗi ngày cha mẹ đồng hành cùng con là một thử thách (ảnh minh họa). Ảnh: MC |
Đó là câu hỏi được vị chuyên gia hỗ trợ giáo dục tâm lý đặt ra với các học viên là những bậc cha mẹ có con đang ở độ tuổi dậy thì. Qua màn hình trực tuyến, mọi người đều im lặng. Có con ở tuổi “ẩm ương”, khi mỗi ngày đồng hành cùng con là một thử thách sự kiên nhẫn của cha mẹ, thì không dễ để cha mẹ và con thể hiện tình yêu thương như ngày con còn tuổi nhỏ.
Chúng tôi có 2 cậu trai. Từ nhỏ đến lớn, cậu anh luôn tỏ ra rất nghịch ngợm và hiếu động, gần như tăng động. Nhưng càng lớn con càng đằm tính. Vào tuổi dậy thì thì hầu như không còn chủ động nói chuyện với ba mẹ nữa. “Răng cũng được”, “có chi mô nà”… là cách con phản hồi và làm "cụt" những nỗ lực gợi chuyện của mẹ. Tuy vậy, bằng cách kết nối với các cô giáo và một số phụ huynh khác, tôi biết con hành xử nhiều việc không đúng. Con sẵn sàng “chất 4” trên chiếc xe đạp điện và vù vù trên các đường kiệt; chạy xe đạp điện nhưng nghĩ đủ trò để không đội mũ bảo hiểm; biện đủ lý do để không làm bài tập về nhà; theo bạn ra quán net… Khi biết chuyện, kiểu gì chúng tôi cũng gọi con vào phòng riêng nói chuyện và yêu cầu giải thích. Nhưng, phần nhiều trong những lần như vậy, mọi chuyện đều kết thúc theo kiểu “ba mẹ ôm một cục bực”, còn con thì lầm lì, không tương tác.
Vì cũng sợ khoảng cách với con ngày càng xa, rồi đến lúc con đi qua hết giai đoạn khủng hoảng tuổi dậy thì thì mọi chuyện đã quá muộn, nên thường sau mỗi lần nói chuyện với con, tôi luôn cố “nén cục tức” và hạ giọng: “Cho mẹ ôm một cái”. Nhưng chưa bao giờ lời nói nhẹ nhàng ấy được con chủ động đáp lại. Hoặc con vẫn giữ thái độ lầm lì, bất động; hoặc con cố tình ngước nhìn lên trần nhà, tránh đi đôi mắt ngấn nước. Tôi lại nhận ra, những lúc như thế, khi mình “vượt lên được chính mình” chủ động ôm con mà con không đưa tay gạt đi, đã là thành công lắm rồi.
Trở lại câu chuyện “Đã bao lâu rồi bạn chưa ôm con?” của nhà tâm lý học trên, ông đưa ra lời khuyên: Mỗi cha mẹ hãy luôn thể hiện tình yêu với con, ôm con mỗi ngày nếu có thể. Ông bảo, cha mẹ thể hiện tình yêu với con sẽ giúp con tránh được các vấn đề về tâm lý và hành vi sai lệch, giúp con kiên cường hơn trong những tình huống căng thẳng. Không những vậy, những cái ôm cũng giúp tăng cường sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái, khiến trẻ cảm nhận được tình yêu thương nhiều hơn. Bằng cách này, cha mẹ cũng dạy con cách thể hiện tình yêu và chăm sóc người khác, giúp con xây dựng các mối quan hệ an toàn và tốt đẹp hơn trong tương lai.
Đồng hành cùng con đi qua tuổi dậy thì, nhiều chuyên gia tâm lý đã chia sẻ những câu chuyện, những bí quyết nghe qua thật đơn giản, nhưng để áp dụng vào từng hoàn cảnh cụ thể thì không dễ dàng. Một trong những yếu tố tạo nên khoảng cách thế hệ là nhiều cha mẹ quá kỳ vọng con, đặt ra yêu cầu vượt sức của con và chưa đặt tâm thế “là bạn” để ứng xử phù hợp với con trong nhiều tình huống dễ phát triển thành xung đột.
Một nghiên cứu của Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) cho thấy, những cái ôm, ngoài việc đem lại cảm xúc tích cực, còn mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời khác, đặc biệt với sự phát triển của một đứa trẻ. Đó là giúp trẻ thêm hạnh phúc, dạy trẻ phát triển sự đồng cảm, ngăn những cơn giận dữ của con, giúp con thông minh hơn và phát triển tốt. Những lợi ích này dựa trên phát hiện của các nhà khoa học, rằng cơ thể trẻ em có thể ngừng phát triển bình thường nếu chúng bị thiếu những tương tác cảm xúc và đặc biệt là những cái ôm, dù có đảm bảo các chế độ dinh dưỡng cần thiết. Lời giải thích cho hiện tượng này cũng khá đơn giản: loại hormone đặc biệt là oxytocin (còn gọi là hormone tình yêu) được giải phóng khi cha mẹ ôm con. Khi được giải phóng, oxytocin cũng làm tăng sự thúc đẩy của các hormone tăng trưởng khác, thúc đẩy sự lớn lên của con trẻ.
Ôm con khi con đã lớn - thói quen này có vẻ như khó được người Việt chúng ta áp dụng thường xuyên, do tâm lý ngại bày tỏ cảm xúc. Nhưng nếu chỉ vì sự ngại ngùng ấy mà khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái ít được kết nối bằng những cái ôm, thì thật quá là thiệt thòi cho những đứa trẻ thương yêu.