leftcenterrightdel
 Cứu hộ, chăm sóc cá thể rùa quý hiếm

Cách đây mấy ngày, nhận được tin báo từ người dân phát hiện một hộ đang tàng trữ, tiêu thụ ĐVHD, Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới phối hợp với lực lượng công an tiến hành kiểm tra, khám xét nơi ở tại nhà số 14, đường Đinh Núp, thị trấn A Lưới do ông Lê Đình Huấn làm chủ. Qua khám xét, các lực lượng phát hiện hai tủ cấp đông chứa động vật, bộ phận ĐVHD đặt trong cơ sở kinh doanh Gas Hoàng. Trong đó, có đến 45 cá thể, 7 bộ phận của ĐVHD với trọng lượng hơn 37kg.

Hầu hết các cá thể phát hiện đều đã chết và cấp đông, trong đó có một số cá thể nghi động vật quý hiếm. Toàn bộ tang vật được Phòng Cảnh sát Môi trường thuộc Công an tỉnh niêm phong, chuyển về bảo quản tại đơn vị để tiếp tục điều tra, xác minh và hoàn thiện hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Ngô Hữu Phước, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới chia sẻ, săn bắt, tiêu thụ ĐVHD là vấn nạn nhức nhối đối với các chủ rừng và lực lượng chức năng. Rừng thì rộng lớn, lại nhiều “cửa”, lối ra vào rất khó kiểm soát. Các tay chuyên săn bắt ĐVHD lại tinh vi, thường lén lút, lợi dụng đêm khuya vào rừng đặt bẫy, săn bắt thú. Nhiều vụ việc được lực lượng phát hiện, truy bắt bị các đối tượng chống trả quyết liệt và tẩu thoát, chỉ để lại một số tang vật như xác động vật đã chết, hoặc bị thương, dụng cụ săn bắt...

Gần đây, không chỉ đặt bẫy, nhiều đối tượng săn thú còn sử dụng cả súng tự chế để săn bắt thú rừng càng nguy hại hơn. Dùng súng săn bắt thì hầu hết thú rừng trúng đạn đều bị chết, hoặc bị thương nặng khó có thể cứu chữa. Thậm chí khi nghe tiếng súng nổ gây động rừng, khiến một số loài thú phải di cư đến các khu vực sinh cảnh thiếu an toàn, khó thích nghi và có nguy cơ tuyệt chủng.

Mới đây, trong chuyến tuần tra, truy quét của các lực lượng Trạm liên ngành Chà Linh - Mụ Nú tại các tiểu khu 398, 346 và 186 đã phát hiện một số lâm dân có dấu hiệu khả nghi đang hoạt động trái phép tại khu vực Khe Tranh, tiểu khu 186, do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hương Thủy quản lý. Lực lượng phối hợp tiến hành vây bắt nhưng các đối tượng nhanh chóng tẩu thoát, bỏ lại hiện trường 1 súng tự chế bắn đạn hoa cải và 9 viên đạn. Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản tạm giữ tang vật, hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ theo quy định, bàn giao cho cơ quan Công an xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà để điều tra, xác minh và xử lý.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn Sao La, ông Lê Thanh Hướng khẳng định, tình trạng sử dụng súng tự chế săn bắt ĐVHD đang diễn biến phức tạp, tinh vi. Tính riêng trong năm 2022, đơn vị phối hợp với các ban, ngành trên địa bàn phát hiện 5 khẩu súng tự chế của các đối tượng dùng săn bắn ĐVHD và đã bàn giao cơ quan chức năng.

Trong những ngày trước, trong và sau lễ 30/4, 1/5 này, các lực lượng chức năng nêu cao tinh thần cảnh giác, tổ chức tuần tra, truy quét tại rừng, kết hợp tuyên truyền bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn các loài động vật nói riêng; phổ biến một số nội dung liên quan đến sử dụng súng tự chế và các chế tài xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng súng tự chế đến với người dân.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn thông tin, gần đây các đơn vị kiểm lâm sở tại phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hàng chục đợt ra quân xử lý tình trạng bẫy bắt chim trời; tịch thu, tiêu hủy nhiều bẫy các loại và cứu hộ, thả hơn 700 cá thể chim còn sống về môi trường tự nhiên. Trong những tháng đầu năm nay, các cơ quan chức năng tiếp nhận và cứu hộ thành công hàng chục cá thể ĐVHD (không tính các cá thể chim trời) do người dân tự nguyện giao nộp. Đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác truyền thông của lực lượng kiểm lâm, cũng như ý thức của người dân trên địa bàn tỉnh về bảo vệ ĐVHD ngày được nâng cao.

Khó khăn lớn hiện nay là nguồn kinh phí thường xuyên cho hoạt động cứu hộ ĐVHD rất hạn hẹp (riêng năm 2022, nguồn kinh phí được phân bổ cho hoạt động cứu hộ toàn tỉnh chỉ 40 triệu đồng). Tính riêng Hạt Kiểm lâm TP. Huế trong năm qua đã tiếp nhận và cứu hộ 57 cá thể ĐVHD), trong khi kinh phí thiếu thốn, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác cứu hộ và tái thả ĐVHD. Điều kiện cứu hộ cũng gặp rất nhiều khó khăn, lực lượng kiểm lâm không được đào tạo về chuyên môn cứu hộ động vật rừng, không có đủ cơ sở vật chất và các trang thiết bị liên quan. Cơ quan thú y cũng không có chuyên môn về cứu hộ nên hiệu quả cứu chữa, chăm sóc các cá thể động vật rừng còn hạn chế.

 

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU