Các đối tượng yếu thế được nhận quà tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em |
Tận dụng mọi nguồn lực
Những năm qua, Trung tâm CTXH-QBTTE phối hợp với các cơ quan, đơn vị, trường đào tạo chuyên ngành để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển công tác xã hội. Trong đó, đào tạo từ trung cấp trở lên cho trên 750 người và bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xã hội cho trên 7.000 lượt người. Đồng thời, tư vấn, tham vấn, cung cấp thông tin dịch vụ công tác xã hội cho hàng trăm lượt người, bao gồm cả đối tượng lang thang, ăn xin mỗi năm.
Hàng năm, Quỹ Bảo trợ trẻ em huy động, vận động được khoảng 6 tỷ đồng để hỗ trợ cho trên 10.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với các hoạt động như: phẫu thuật dị tật cho trẻ em bị khuyết tật; tặng quà trẻ em bị ốm đau; tặng chăn, áo ấm; tặng dụng cụ học tập; trao học bổng cho các học sinh nghèo; tặng khẩu phần ăn và sữa; tặng xe đạp; làm sân chơi để các trẻ em rèn luyện thể chất…
Bình quân hàng tháng, trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc tốt cho trên 100 người. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến vấn đề sức khỏe, tổ chức điều trị cho người ốm đau, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng khẩu phần ăn ngày một nâng cao; tăng cường rèn luyện thể dục, phục hồi chức năng, lao động trị liệu. Đối với trẻ em thì đẩy mạnh công tác giáo dục, học tập, học nghề gắn với giáo dục đạo đức, nâng cao kỹ năng sống; tổ chức các hoạt động vui chơi, văn nghệ và tặng quà cho các đối tượng nhân các dịp tết, lễ, ngày kỷ niệm.
Ông Trần Văn Khải, Giám đốc Trung tâm CTXH-QBTTE cho biết, để lan tỏa yêu thương đến cộng đồng xã hội, trung tâm luôn tích cực huy động, vận động các nguồn lực của xã hội để tổ chức các hoạt động vui chơi, tặng quà, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng đang được nuôi dưỡng tại đây. Đến nay, trung tâm đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều nhà tài trợ, nhà hảo tâm, đã kết nối với trên 21 đơn vị, cá nhân hảo tâm. Những đóng góp thầm lặng của những tấm lòng thiện nguyện góp phần làm ấm lòng thêm những mảnh đời không may mắn, động viên các đối tượng vượt qua khó khăn, có động lực vươn lên, sống vui, sống khỏe.
Trợ giúp trường hợp khẩn cấp
Thời gian qua, Trung tâm CTXH-QBTTE tiếp nhận một vài trường hợp khẩn cấp như phụ nữ bị bạo hành, bạo lực gia đình. Sau khi tiếp nhận, trung tâm kiểm tra sức khỏe ban đầu, tư vấn ổn định tâm lý, bố trí nơi ở hợp lý, cấp thức ăn, áo quần và các vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Trong thời gian sống tại trung tâm, các trường hợp đều được chăm sóc chu đáo, thường xuyên thăm hỏi, động viên, theo dõi sức khỏe, tư vấn tâm lý. Nhờ đó đã giúp họ ổn định và trở về với gia đình, hòa nhập tốt với cộng đồng.
Trung tâm cũng tiếp nhận những trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, đồng thời kiểm tra sức khỏe, bố trí nơi ở hợp lý, trang bị vật dụng, xây dựng kế hoạch chăm sóc... Trong quá trình chăm sóc, đơn vị phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan xác minh, tìm kiếm thân nhân của trẻ để sớm trả về với gia đình, người thân. Trường hợp không xác minh được thân nhân thì được đơn vị làm giấy khai sinh, hồ sơ thủ tục đưa trẻ vào nuôi dưỡng thường xuyên.
Trong hơn 10 năm nay, trung tâm tiếp nhận, nuôi dưỡng và chăm sóc cho trên 800 lượt người lang thang xin ăn. Sau khi tiếp nhận người lang thang xin ăn, đơn vị tiến hành kiểm tra sức khỏe, tổ chức khám bệnh những trường hợp ốm đau, tư vấn, ổn định tâm lý, bố trí nơi ở, vật dụng sinh hoạt... Đồng thời lập hồ sơ quản lý, phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan thực hiện việc phân loại đối tượng và tổ chức khai thác thông tin để phục vụ công tác phối hợp với địa phương và người thân của họ để tiếp nhận về quản lý, chăm sóc. Trong đó, có trên 700 người khai thác được thông tin và cho hồi gia, số còn lại không khai thác được thông tin nên đề xuất cấp có thẩm quyền đưa vào nuôi dưỡng thường xuyên.
Trong quá trình tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng người lang thang xin ăn, đơn vị gặp một số khó khăn do các đối tượng không hợp tác, muốn bỏ trốn khỏi trung tâm, có hành vi vi phạm pháp luật. Theo ông Trần Văn Khải, để hạn chế đối tượng lang thang xin ăn, bị bỏ rơi, chính quyền địa phương, nhất là cấp xã cần thường xuyên rà soát, nắm tình hình người lang thang xin ăn, bán hàng rong rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ lang thang để có phương án quản lý; có hướng hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp, nhất là tạo điều kiện học nghề, tạo việc làm cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.