leftcenterrightdel
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn phương kết luận phiên họp 

Nhiều chỉ tiêu vượt so với cùng kỳ

Báo cáo của Sở Kế hoạch & Đầu tư tại phiên họp cho thấy, tình hình kinh tế – xã hội (KT-XH) của tỉnh 4 tháng đầu năm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; tốc độ tăng trưởng GRDP Quý I ước đạt 6,61%, cao hơn so với mức bình quân chung cả nước 3,32%, đứng thứ 2/5 tỉnh/thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và đứng thứ 8/14 tỉnh/thành Vùng Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung.

Trong đó, hoạt động du lịch tiếp tục có nhiều khởi sắc. Tính riêng tháng 4, lượng khách du lịch tăng 6,5% so với tháng trước, gấp 2 lần so với cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch ước đạt 772,6 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu cũng tăng 4,3% so với tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 17.950 tỷ đồng, tăng hơn 20% so cùng kỳ.

Đặc biệt, doanh thu vận tải, bốc xếp ước đạt 1.470 tỷ đồng, tăng gần 20%.

“Từ đầu năm đến nay, Cảng Chân Mây đón 22 lượt tàu đến làm hàng xuất nhập khẩu nội địa và quốc tế với 3.005 container (trong đó, 1.438 container hàng nhập khẩu, 1.567 container hàng xuất khẩu)”, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Đại Vui thông tin.

Từ đầu năm đến nay, đã cấp mới 7 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.100,8 tỷ đồng (trong đó 4 dự án FDI với vốn đăng ký 26,5 triệu USD); thu hồi 1 dự án FDI với vốn đăng ký 34,5 triệu USD.

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến ngày 27/4đã giải ngân đạt 16,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ngoài ra, đã giải ngân các nguồn vốn giao bổ sung từ nguồn tăng thu ngân sách tỉnh năm 2021, năm đạt 23,5% kế hoạch. Như vậy, tổng số kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh đã giao đến nay đến thời điểm báo cáo đạt 16,8% kế hoạch. Dự kiến đến ngày 30/6 tỷ lệ giải ngân chung toàn tỉnh đạt khoảng 40%.

Tỉnh đã hoàn thành các thủ tục và phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án thuộc chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ; hoàn thành giao kế hoạch vốn với tổng nguồn vốn 411 tỷ đồng để thực hiện 5 dự án thuộc lĩnh vực y tế, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội.

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp; lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp cũng có nhiều khởi sắc. Mặc dù vậy, báo cáo kinh tế xã hội cũng thể hiện nền kinh tế của tỉnh đối mặt không ít khó khăn. Điển hình là dư nợ tín dụng đạt 75.200 tỷ đồng, tăng 1,15% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm trước tăng 6,18%), cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,49%. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 3.334,2 tỷ đồng, đạt 25,6% chỉ tiêu phấn đấu UBND giao và giảm 12,9% so với cùng kỳ.

leftcenterrightdel
Tiến độ hoàn thành các quy hoạch cần được quan tâm trong thời gian tới 

Linh hoạt các giải pháp

Tại phiên họp, các sở ngành, địa phương cũng thông tin cụ thể tình hình KT - XH ở trên các lĩnh vực. Trước những khó khăn đang hiện diện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đặc biệt lưu ý đến tiến độ giải ngân 3 chương trình mục tiêu Quốc gia. Ông Bình đề nghị các sở, ngành tích cực hỗ trợ hướng dẫn cho các địa phương; xây dựng kế hoạch giải ngân cho từng hạng mục.

Ngoài ra, công tác nâng cao các chỉ số cải cách hành chính trong thời gian tới đóng vai trò quan trọng. “Trước mắt cần tập trung tuyên truyền hình ảnh Huế, đồng thời đặc biệt quan tâm đến công tác chống dịch, nhát là tiến độ tiêm vắc xin”, ông Bình nói.

Hiện nay, tỉnh đang tập trung xây dựng kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và các kiến nghị, đề xuất của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ kết luận. Do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu các địa phương cần nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu. Trong đó, cần lưu ý đến việc tập trung các cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh; tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhất là các giải pháp hoàn thiện, tháo gỡ vướng mắc liên quan quy hoạch, thủ tục đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng..

“Trên tinh thần chủ động, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên,…để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh”, ông Phương nhấn mạnh.

Đối với tiến độ lập Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành liên quan đẩy nhanh Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2065; Đề án phân loại đô thị loại IV đối với đô thị Phong Điền, Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050...Ngoài ra, quyết liệt triển khai hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông Nguyễn Văn Phương cũng đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo thắng lợi lúa vụ đông xuân, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai sản xuất vụ hè thu.

Tại phiên họp, UBND tỉnh cũng thông tin mục tiêu phấn đấu quý II/2023. Theo đó, thu ngân sách nhà nước đạt từ 8.450 tỷ đồng/13.000 tỷ đồng (tương ứng 65% chỉ tiêu phấn đấu), đến hết Quý III/2023 thu ngân sách nhà nước đạt từ 11.050 tỷ đồng/13.000 tỷ đồng (tương ứng 85% chỉ tiêu phấn đấu) và đến hết tháng 11/2023 cơ bản hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu của UBND tỉnh giao là 13.000 tỷ đồng.

LÊ THỌ