leftcenterrightdel
Quang cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV 

Báo cáo cho biết, cử tri kiến nghị tiền lương hiện nay của công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống, đề nghị xem xét thực hiện lộ trình tăng lương cơ bản và điều chỉnh chế độ chính sách tiền lương tương ứng với mức giá các dịch vụ sinh hoạt.

Bên cạnh đó, cử tri phản ánh tình trạng dôi dư cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách và nhiều trụ sở cơ quan hành chính bỏ không do tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ hợp lý hơn với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau khi sắp xếp; đồng thời có hình thức hỗ trợ, phân bổ nguồn lực cho các địa phương để thực hiện công tác này.

Trả lời kiến nghị của cử tri, Chính phủ cho biết, từ năm 2020 đến nay, do tác động bất lợi của nhiều yếu tố ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19 nên chưa có đủ điều kiện để cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.

Đồng thời, cũng chưa điều chỉnh tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, dẫn đến đời sống của người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn.

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã thông qua việc nâng mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng thêm 20,8%) từ ngày 1/7/2023 cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện các nội dung cụ thể của chính sách tiền lương mới trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thực hiện vào thời điểm thích hợp sau năm 2023, bảo đảm theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW, tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác, cống hiến.

Về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, theo Chính phủ, Điều 10 Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định rõ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức, đơn vị do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện theo quy định của Chính phủ (về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức; về chế độ thôi việc; về chính sách tinh giản biên chế và các chính sách khác).

Ngoài các quy định của Chính phủ, trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cho phù hợp. Trường hợp không thể bố trí, sắp xếp, địa phương có báo cáo cụ thể về để Bộ Nội vụ xem xét, giải quyết, hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trên cơ sở kết quả tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và căn cứ chủ trương tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng “Đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã”, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030 trên cơ sở tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và cử tri để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, hiện Bộ đã trình Chính phủ phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Chính phủ đã có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.

Theo tờ trình, Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành sắp xếp với những huyện, xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định.

Những đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định cũng nằm trong diện sắp xếp, sáp nhập trong 3 năm tới.

Đến năm 2030 hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh, thành phố sẽ do ngân sách địa phương bảo đảm. Chính phủ đề xuất, ngân sách Trung ương hỗ trợ một lần cho các địa phương nhận bổ sung cân đối với định mức 20 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp huyện giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2030.

Số ngân sách này dùng để hỗ trợ trong việc thực hiện xây dựng phương án, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tổ chức tuyên truyền, vận động; tổ chức lấy ý kiến cử tri; giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính…

Dự kiến tại Phiên họp thứ  23 vào tháng 5 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2030.

Theo Báo Tin tức